UBND tỉnh Lào Cai vừa có thông tin chính thức về vụ việc “11 học sinh phải ăn 2 gói mì tôm chan cơm trắng”, xảy ra tại Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1.
Theo báo cáo từ UBND H.Bắc Hà (Lào Cai), ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, đã nộp đơn xin từ chức.
Bữa ăn có dấu hiệu bị cắt xén là chính xác
Theo báo cáo của UBND H.Bắc Hà, thông tin phản ánh bữa ăn bán trú tại Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 có dấu hiệu bị cắt xén là chính xác.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trường này có nhiều sai phạm, ví dụ như không có danh sách chi trả tiền ăn thừa cho học sinh, hiệu trưởng chưa ký nhận nhiều hồ sơ nhập, xuất thực phẩm.
Cùng với đó, phiếu chi tiền mặt không có số, không có chữ ký của hiệu trưởng, người nhận tiền. Bảng nhập mua thực phẩm hằng ngày không khớp với bảng thực phẩm của tháng.
Chưa kể, thực phẩm được đưa từ cơ sở cung cấp về nhập kho nhưng người nhận không kiểm tra khối lượng và chất lượng hàng hóa, không ký bất kỳ sổ sách nào. Số lượng thực phẩm và số tiền thanh toán thực tế có chênh lệch.
Báo cáo cũng ghi nhận việc người dân không được nhận tiền ăn bán trú còn thừa là có cơ sở. Hiện nay, nhà trường chỉ mua mới sách giáo khoa lớp 4 cho học sinh, còn các lớp 1, 2, 3 và 5 dùng sách cũ và mua bổ sung một số sách thiếu. Như vậy, thông tin phụ huynh không nhận được tiền hỗ trợ học tập 150.000 đồng mỗi tháng cũng là có cơ sở.
Trong đơn xin từ chức, ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, tự nhận trách nhiệm bản thân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội.
Hiện UBND huyện đã nhận được đơn từ chức của ông Hà. Tuy nhiên, do sự việc liên quan đến nhiều người, ở nhiều thời điểm và có tính chất phức tạp, huyện đã chuyển nội dung phản ánh sang cơ quan công an để tiếp tục làm rõ.
Từ chức liệu có xong?
Vụ việc xảy ra Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 nhận được quan tâm rất lớn từ dư luận. Một số ý kiến băn khoăn: hiệu trưởng này đã có đơn xin từ chức, nếu đơn được chấp thuận thì quá trình xử lý vi phạm (nếu có) có dừng lại?
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, từ chức chỉ là nguyện vọng cá nhân của hiệu trưởng, không phải là căn cứ xác định sự việc đã kết thúc.
Trường hợp xác định có hành vi sai phạm, và hành vi này đã cấu thành xong, tùy thuộc tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xử lý trách nhiệm đối với ông hiệu trưởng.
Như thông tin từ UBND H.Bắc Hà, bước đầu cơ quan chức năng xác định Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 có nhiều sai phạm về tiền ăn bán trú và kinh phí hỗ trợ học sinh. Các sai phạm này (nếu có) là nghiêm trọng, vì vậy việc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra là hợp lý. Cơ quan công an có thể sẽ xem xét có dấu hiệu hình sự trong vụ việc nêu trên hay không.
Luật sư Hùng dẫn chứng thông tin từ bản tin truyền hình của VTV, cho thấy bữa sáng của 11 học sinh chỉ gồm 2 gói mì tôm chan với cơm trắng. Trong khi đó, bảng thực đơn lại ghi mỗi học sinh được một gói mì và một quả trứng.
Tương tự, với bữa trưa và tối, trên bảng ghi ngoài rau, thực phẩm còn có 14 kg thịt lợn và 11 kg xương. Tuy nhiên, học sinh chỉ được ăn một ít giò thái nhỏ và canh rau, thậm chí rau ở bếp bị thối, học sinh được huy động xuống nhặt.
Ngoài ra, các học sinh phải dùng đồ dùng học tập cũ, trong khi mỗi tháng các cháu được trợ cấp 150.000 đồng tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập. Nhà trường nói đã chuyển trả cho phụ huynh, nhưng phụ huynh lại phủ nhận.
Được biết, học kỳ I năm học này, Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 có 174 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ. Trong đó, tiền ăn hơn 50 triệu đồng cho 4 tháng, tiền hỗ trợ đồ dùng học tập hàng tháng cho mỗi học sinh là 150.000 đồng.
“Số tiền trên là tương đối lớn. Cơ quan công an có thể căn cứ vào lời khai của người phụ trách nấu ăn, cơ sở cung cấp thực phẩm hoặc các hóa đơn chứng từ… để xác định số tiền mà nhà trường thực chi cho học sinh là bao nhiêu”, luật sư phân tích.
Trường hợp xác định xảy ra việc bớt xén tiền hỗ trợ, luật sư Hùng nhận định có dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản. Cơ quan chức năng cần làm rõ tổng số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu, những ai được hưởng lợi, vụ việc đã kéo dài từ bao lâu…
Theo quy định tại điều 353 bộ luật Hình sự, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là đủ căn cứ để khởi tố hình sự về tội tham ô.
Vẫn theo luật sư Hùng, những nhận định nêu trên mới chỉ là giả thiết dựa trên các thông tin ban đầu. Kết quả chính xác vẫn cần chờ kết luận từ phía cơ quan công an.