Nhiều sáng kiến hợp tác, các giải pháp thiết thực phát triển giáo dục và đào tạo giáo viên đã được lãnh đạo các trường đại học các nước khu vực Đông Nam Á chia sẻ.
Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học đào tạo giáo viên Đông Nam Á (AsTEN) lần thứ 18 diễn ra hôm nay 13-12 tại TP.HCM với sự chủ trì của GS.TS Ngô Thị Phương Lan, hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), chủ tịch AsTEN.
Nhiều sáng kiến hợp tác, giải pháp phát triển đào tạo giáo viên
Hội nghị quy tụ các lãnh đạo, nhà quản lý từ các trường đại học đào tạo giáo viên hàng đầu khu vực Đông Nam Á thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Đây còn là cơ hội để thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của xã hội.
Theo GS Phương Lan, hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm hợp tác hiệu quả trong mạng lưới AsTEN.
“Trong 10 năm qua, chúng ta đã thúc đẩy trao đổi kiến thức và các phương pháp hay nhất, cùng nhau giải quyết các vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và phát triển giáo dục bền vững ở Đông Nam Á”, bà Lan chia sẻ.
Theo GS Fuad Abdul Hamied – giám đốc điều hành ATQA, Đại học Giáo dục Indonesia, năm 2024 hoạt động chính của AsTEN là tập trung thúc đẩy chất lượng đào tạo giáo viên thông qua các hoạt động như hội thảo, hội nghị chia sẻ thực tiễn và các chương trình kiểm định.
Tiến hành kiểm định nhiều chương trình đào tạo, gồm đợt đầu 5 chương trình và đợt hai 6 chương trình, nhấn mạnh việc nâng cao năng lực của đội ngũ đánh giá viên.
Đảm bảo sự minh bạch và hợp tác chặt chẽ giữa các chương trình được kiểm định và các bên liên quan.
Đồng thời khuyến khích các thành viên lựa chọn ít nhất một chương trình đào tạo từ trường mình để được kiểm định bởi ADKA, qua đó nâng cao uy tín và tiêu chuẩn giáo dục trong khu vực.
“Chúng ta đã dành nhiều thời gian và năng lượng, nhưng điều quan trọng là tất cả các thành viên AsTEN phải cùng tham gia và thúc đẩy tiến trình kiểm định này. Kinh phí không phải là vấn đề, quan trọng là làm sao để đáp ứng được yêu cầu công nhận quốc tế”, GS Fuad Abdul Hamied nhấn mạnh.
Thay đổi để đáp ứng yêu cầu cấp bách của kỷ nguyên số
Phát biểu tại hội nghị, GS Phương Lan cho rằng: “Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng năng động, điều bắt buộc là phải trang bị cho các nhà giáo dục những kỹ năng, kiến thức và khả năng phục hồi cần thiết để thích ứng với những nhu cầu đang thay đổi, đảm bảo rằng hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn phù hợp, toàn diện và có tư duy tiến bộ”.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận về kết quả các dự án hợp tác nghiên cứu, hoạt động bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên AsTEN, các chiến lược hành động của AsTEN nhằm nâng cao chất lượng, phát triển chuyên môn và quốc tế hóa giáo dục đáp ứng các yêu cầu mới trong bối cảnh giáo dục 4.0;
Các phương pháp giảng dạy tiên tiến và đổi mới giáo dục phù hợp với sự thay đổi mạnh mẽ của thời đại số.
Đây là cơ hội để kết nối, thúc đẩy hợp tác và trao đổi học thuật giữa các quốc gia thành viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, lan tỏa những phương pháp sư phạm tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiệu quả vào giáo dục.
Xu hướng giáo dục thời đại số
Trong khuôn khổ hội nghị lần này, hội thảo quốc tế AsTEN lần 6 với chủ đề “Phương pháp và tiếp cận giáo dục trong thời đại số: Xu hướng giáo dục mới và kinh nghiệm quốc tế” cũng sẽ diễn ra tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) ngày 14-12.
Hội thảo tập trung vào các vấn đề cốt lõi của giáo dục hiện đại, gồm: Phát triển các kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh và sinh viên;
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thông tin trong giảng dạy; Học tập kết hợp (Blended Learning) và thiết kế lớp học thế hệ mới; Giáo dục bền vững và trách nhiệm xã hội thông qua học tập phục vụ cộng đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hieu-truong-dai-hoc-cac-nuoc-dong-nam-a-chia-se-sang-kien-dao-tao-giao-vien-20241213104337239.htm