Hiệu trưởng có lỗi khi không xử lý kịp thời các phản ánh của giáo viên, tâm tư học sinh, để xảy ra vụ nhốt cô giáo trong lớp, theo các nhà quản lý.
Tại tọa đàm "Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường" hôm 8/12, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói khi theo dõi vụ giáo viên trường THCS Văn Phú, Tuyên Quang, bị học sinh nhốt, ném dép, điều khiến ông suy nghĩ là tại sao cô giáo không tìm đến sự giúp đỡ. Bởi trường học có đủ các tổ chức đoàn thể, đủ quy định để xử lý vụ việc.
Ông Tài nhận định tính dân chủ ở trường học này bị vi phạm nghiêm trọng. Các thiết chế, tổ chức đoàn thể chưa phát huy hết vai trò.
"Khi cô chọn sự im lặng thì chắc đây không phải lần đầu tiên. Cô từng phản ánh nhưng có lẽ việc đó không được quan tâm", ông Tài nói, khẳng định trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng đầu, cụ thể là hiệu trưởng.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói thêm, theo điều lệ trường tiểu học và trung học, hội đồng trường có vai trò quan trọng. Cơ quan này có đại diện ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, văn phòng, công đoàn, Đoàn thanh niên, đại diện chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh.
Do đó, trong trường hợp cô giáo đã báo cáo sự việc đến hiệu trưởng nhưng người này không có giải pháp cụ thể thì có thể tìm đến hội đồng trường, có quyền đề xuất họp hội đồng trường để báo cáo sự việc, từ đó có phương án xử lý kịp thời. Người đại diện chính quyền địa phương trong hội đồng trường khi biết sự việc sẽ yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, Hà Nội, cùng chung nhận định.
Theo phản ánh của giáo viên, cô đã nhiều lần báo cáo về việc học sinh chống đối, dọa nạt trong hai tháng gần đây tới hiệu trưởng nhưng không được giải quyết. Về phía hiệu trưởng, thầy cũng cho biết nhận được phản ánh của một số phụ huynh về hành vi vi phạm đạo đức của giáo viên này.
Ông Tùng cho biết khi có tố cáo, phản ánh từ giáo viên, phụ huynh hay học sinh về bất kỳ vấn đề nào đó, mỗi nhà trường sẽ những quy trình cụ thể để giải quyết. Trường nào chưa có quy trình này có thể coi là chưa chuyên nghiệp.
Điểm chung là khi có phản ánh, hiệu trưởng phải xác định được tính chất nghiêm trọng của sự việc để đưa ra hướng giải quyết. Ví dụ, giáo viên nói học sinh có hành vi, lời nói xúc phạm, ném đá trên đường đi làm về thì hiệu trưởng phải mời công an vào cuộc ngay để xác minh và có biện pháp ngăn chặn học sinh, bảo vệ giáo viên.
"Việc chỉ giáo dục, nhắc nhở học sinh trong những trường hợp như trên là chưa đủ để bảo vệ giáo viên cũng như giúp cho học sinh không gây ra những hành vi nguy hiểm tiếp theo, mắc vào những lỗi nặng hơn về đạo đức, pháp lý", ông Tùng nói.
Ngoài ra, trong trường hợp này, việc hỗ trợ tâm lý cho giáo viên và nhóm học sinh là cần thiết để giúp giáo viên giải tỏa được tâm tư, học sinh được nói ra những điều khó chịu, từ đó tìm tiếng nói chung.
"Nếu các bước trên được thực hiện, tôi nghĩ sẽ không xảy ra những sự việc đáng tiếc như chúng ta đã thấy", ông Tùng nhìn nhận.
Sự việc cô giáo tại Tuyên Quang bị học sinh nhốt trong lớp, chửi bới, nhét rác và ném đồ vào người thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Diễn biến vụ việc qua lời kể của cô Hằng, phụ huynh
Theo UBND huyện Sơn Dương, sự việc diễn ra lúc 10h30 sáng 29/11. Khi bắt đầu tiết Âm nhạc ở lớp 7C, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô Hằng không cho. Sau đó, giữa giáo viên và học sinh "xảy ra khúc mắc". Hết tiết học, cô giáo chuyển sang dạy lớp 6A thì một số học sinh lớp 7C đi sang, nói tục, xúc phạm, quay video đăng lên Facebook.
UBND tỉnh Tuyên Quang đánh giá hành vi của một số học sinh trong sự việc là "không đúng mực, vô lễ với giáo viên", đồng thời chỉ đạo xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng khi để xảy ra sự việc. Hiệu trưởng trường THCS Văn Phú đã bị đình chỉ công việc và chức vụ 15 ngày, tính từ 7/12 để phục vụ việc điều tra.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn hôm 6/12 nhìn nhận sự việc "rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được", nhưng nhấn mạnh cần đánh giá khách quan, thấu đáo để tìm giải pháp phù hợp. Bộ đề nghị tỉnh Tuyên Quang thông báo kết quả trước 29/12.
Source link
Bình luận (0)