Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hiểu thêm về địa danh có yếu tố đà, đắk, tắk, nha, êa

VÕ VĂN THẮNG

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng12/04/2025

Hầu hết các địa danh hành chính Việt Nam được đặt theo từ ngữ Hán - Việt. Những tên gọi ấy hoặc có ý nghĩa thể hiện một ước vọng, có các yếu tố như Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Yên, Bình, Hòa, Thuận, Mỹ, Lệ…; hoặc chỉ phương hướng địa lý, có các yếu tố như Đông, Tây, Nam, Bắc…; hoặc chỉ cảnh quan thiên nhiên như Sơn, Hà, Giang…

Tuy nhiên có một vài địa danh hành chính không thể giải thích ý nghĩa theo từ ngữ Hán - Việt, như trường hợp Đà Nẵng, Nha Trang, và cũng có các địa danh được ghi theo một cách thức khác biệt với cách đánh vần chữ quốc ngữ phổ thông, như trường hợp Đắk Lắk, Tắk Pỏ, Êa Súp. Những trường hợp này có nguồn gốc từ việc dùng chữ Hán, hoặc chữ quốc ngữ, để ghi địa danh theo cách phát âm của người địa phương (thổ âm).

Xưa kia, khi các quan viên đến các địa phương để ghi chép địa chí, hoặc thiết lập làng xã, họ nghe thấy các tên gọi được người địa phương phát âm không giống với âm của tiếng Hán, do đó không thể nào chép lại bằng chữ Hán vào văn bản.

Tình thế buộc phải dùng các chữ Hán có âm tương tự để ghi. Có khi tìm được một chữ Hán vừa có âm tương tự tên gọi trong tiếng địa phương, vừa có nghĩa hợp lý; nhưng cũng có khi không tìm được một chữ Hán hoàn hảo như vậy, buộc phải ghi theo âm địa phương ở chừng mức tốt nhất, ví dụ dùng chữ  沱 (âm đọc Hán Việt là Đà), để ghi âm /đạ/, /đák/ của thổ âm; hoặc dùng chữ 芽 (âm đọc Hán Việt là Nha), để ghi âm /e-a/ của thổ âm. Đến giai đoạn có chữ quốc ngữ, các địa danh này được ghi bằng ký tự quốc ngữ, ví dụ âm /đạ/ được ghi thành Đà (trong từ Đà Lạt).

Nhưng do thổ âm khác với âm tiếng Việt phổ thông nên đôi khi phải “sáng tạo” một tổ hợp ký tự mới không có trong cách ghép chữ quốc ngữ phổ thông. Ví dụ âm /đák/ được ghi thành Đắk (trong từ Đắk Lắk), hoặc ghi thành Tắk (trong từ Tắk Pỏ); âm /e-a/ được ghi thành Êa (trong từ Êa Súp).

Các địa danh Đà, Đắk, Tắk, Nha có ý nghĩa thế nào trong tiếng nói của người địa phương (thổ ngữ)? Khu vực miền Trung Việt Nam từng là địa bàn cư trú xen kẽ của các tộc người nói các thứ tiếng thuộc ngữ hệ Nam Á (ngữ chi Cơ tu và ngữ chi Ba Na) và ngữ hệ Nam Đảo (ngữ chi Chamic). Những tộc người này có tư duy chung là định danh nơi cư trú của họ theo một nguồn nước gần đó.

Đối với các tộc người thuộc ngữ chi Cơ tu và Ba Na của ngữ hệ Nam Á, nguồn nước (sông, suối, hồ) được gọi bằng một từ có âm nghe tương tự /đạ/ hoặc /đắk/. Ở vùng phát âm /đạ/, tên gọi này được phiên ra chữ quốc ngữ là “Đà”, ở vùng phát âm /đắk/ được phiên ra chữ quốc ngữ là “Đắc” hoặc “Đắk”. Thật ra, âm /đ/ trong tiếng nói của một số dân tộc ngữ chi Cơ tu và Ba Na không hoàn toàn giống âm /đ/ trong tiếng Việt phổ thông mà còn có nét tương tự âm /t/.

Do đó khi phiên ra âm tiếng Việt phổ thông, có khi được phiên là “Tắk” thay vì “Đắk”, như trường hợp thị trấn Tắk Pỏ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, hiện có một vài địa danh, đơn vị hành chính được phiên dịch thẳng ra chữ quốc ngữ là “Nước Oa”, “Nước Ví” (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Đối với các tộc người thuộc ngữ chi Chamic của ngữ hệ Nam Đảo, nguồn nước (sông, suối, hồ) được gọi bằng một từ có âm nghe tương tự /ê-a/ hoặc /i-a/. Trước kia, khi dùng chữ Hán để ghi chép, người ta ghi âm này bằng chữ 芽 (âm Hán Việt là Nha) trong trường hợp địa danh Nha Trang. Ngày nay, nhiều địa phương ở Tây Nguyên dùng cách ghi “Êa” để ghi âm, ví dụ Êa Kar, Êa Súp, Êa H’Leo (tỉnh Đắk Lắk).

Tóm lại, các địa danh hành chính như Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Đắk Lắk, Tắk Pỏ tuy khó giải thích ý nghĩa trong hệ thống các địa danh nói chung, nhưng chính những địa danh này lại là những hòn đá tảng văn hóa còn lại qua sự mài mòn lâu dài của dòng chảy lịch sử. Bước vào kỷ nguyên mới, sắp tới sẽ có việc sáp nhập các tỉnh, thành, xã, phường. Danh xưng của nhiều đơn vị hành chính sẽ thay đổi. Hy vọng một số tên gọi có nguồn gốc cổ xưa này sẽ được giữ lại để đặt tên cho đơn vị hành chính mới, lưu giữ lịch sử của một vùng đất có nguồn gốc văn hóa phong phú của nhiều tộc người.

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/hieu-them-ve-dia-danh-co-yeu-to-da-dak-tak-nha-ea-4003517/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm