LỜI TÒA SOẠN – DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI

Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.

Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.

Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.

Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn “Kỷ nguyên mới của dân tộc”, ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam…

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” đã tạo đột phá trong việc nhận thức về tiến trình chuyển đổi số đúng với bản chất, vai trò và vị trí của nó đối với sự phát triển của đất nước.

Chuyển đổi số cần phải được nhận thức đầy đủ và xác đáng là tiến trình góp phần tạo ra sự chuyển đổi mô hình phát triển/tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo ra sự đột phá năng suất thông qua đột phá giá trị.

“Tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng sản xuất và từng bước cải tạo, hoàn thiện quan hệ sản xuất”, như bài viết chỉ ra, chính là sự phản ánh và vận động phát triển không ngừng của cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: “Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất.”.

Đồng thời, cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.”.

Dựa trên những chỉ dẫn quan trọng trên, làm thế nào để chuyển đổi số thực sự trở thành phương thức phát triển mới, đưa đất nước hướng đến tầm cao phát triển mới?

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Apple, ông Nick Ammann. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trước hết, chúng ta cần nắm rõ khái niệm chuyển đổi số là gì?

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới. Trong đó, công nghệ là động lực, xã hội số là nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng từ vốn tài chính (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital).

Khái niệm này đáp ứng được một cách tổng thể những chỉ dẫn về bản chất, vai trò và vị trí của tiến trình chuyển đổi số đã được chỉ dẫn trên.

Nó chỉ ra tiến trình chuyển đổi số, thông qua cuộc cách mạng về nền tảng tư duy, sẽ góp phần kiến tạo nên quan hệ sản xuất mới hay hình thái tổ chức xã hội mới, giúp khơi thông những tiềm lực của lực lượng sản xuất mới mà khoa học công nghệ, cùng cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đưa đến và tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị – kinh tế – xã hội.

Quan hệ sản xuất mới này cũng sẽ đáp ứng với một môi trường sản xuất mới, phương thức sản xuất mới – phương thức sản xuất số – trong một môi trường mới (xã hội số). Trong đó, dữ liệu trở thành tài nguyên hay tư liệu sản xuất quan trọng, nơi vốn dữ liệu (data-capital) sẽ trở nên quan trọng không kém vốn tài chính (capital).

Tiến trình chuyển đổi số cần được thúc đẩy bởi bốn trọng tâm mà Tổng Bí thư đã chỉ ra:

Một là, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại;

Hai là, khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa;

Ba là, cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả;

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Để tiến trình chuyển đổi số thực sự trở thành phương thức phát triển mới (phương thức phát triển số) đưa Việt Nam hướng đến tầm cao phát triển mới thông qua việc “phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, chúng ta cần:

Biết rõ: Tiến trình chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới như thế nào để có hiện thực hóa thành các chủ trương, đường lối, chính sách, dự án, hoạt động, hành động – thông qua việc hoàn thiện một lý luận về chuyển đổi số như một phương thức phát triển mới.  

Nắm rõ: Tiến trình chuyển đổi số bao hàm những nội dung gì, bản chất, phương thức, mục tiêu, tức là hiểu rõ chúng ta sẽ chuyển cái gì, thông qua tiến trình như thế nào, và bằng cách nào, chuyển thành cái gì?

Hiểu sâu: Dựa trên đó, định rõ được tiến trình chuyển đổi số bao gồm các cấp độ, các giai đoạn, các tiến trình cụ thể để đảm bảo một cách chuẩn thức – hệ thống – đồng bộ – cộng hưởng hiệu quả trên tổng thể toàn quốc từ trung ương đến địa phương, từ hệ thống Đảng, Nhà nước, chính quyền đến từng ban, ngành, tổ chức, cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp cùng tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức phát triển và đạt được những chuyển đổi thành công.

Hành động đúng: Theo đó, triển khai thành các Chương trình, Kế hoạch, Đề xuất… để thực hiện một cách cụ thể phù hợp với thực tiễn, đặc thù, yêu cầu, điều kiện, khả năng và mục tiêu của từng cấp, từng ngành, từng tổ chức, từng địa phương, từng chủ thể một cách vừa chủ động, vừa thống nhất, vừa đồng tâm, đưa tiến trình chuyển đổi số đạt được tốc độ chuyển đổi tối ưu. Đồng thời, chuyển hóa một cách hiệu quả những quan hệ/phương thức sản xuất truyền thống sang quan hệ/phương thức sản xuất mới một cách hợp lý, hiệu quả và thành công.

Dựa theo những định hướng trên, một số phương hướng để hiện thực hóa các đề xuất cụ thể này:

Một là, thông qua việc hoàn thành và xuất bản cuốn sách Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật 9/2023 – theo đơn đặt hàng của Nhà nước), chúng tôi đã hoàn thành một cách chỉnh thể và tổng thể lý luận về chuyển đổi số như một phương thức phát triển mới để đưa Việt Nam hướng đến một tầm cao phát triển mới. Trong đó, cụ thể hóa bằng các nội dung, mà theo đó, đáp ứng một cách đầy đủ, đúng hướng, đúng trọng tâm những chỉ dẫn của Tổng Bí thư đã chỉ ra:

+ Chỉ rõ tầm nhìn của tiến trình chuyển đổi số đó chính là kiến tạo nên năng lực để có thể chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết 52-NQ/TW).

+ Khái niệm hóa cùng luận giải một cách cụ thể khái niệm chuyển đổi số, đầy đủ về nội hàm, ngoại diên cùng với bản chất của tiến trình này và các khái niệm cơ bản liên quan đến tiến trình chuyển đổi số một cách hệ thống, làm cơ sở và nền tảng cho việc xây dựng các nội dung liên quan để định hình việc kiến tạo năng lực đó như thế nào.

+ Đồng thời, cụ thể hóa thông qua ba trụ cột của tiến trình chuyển đổi số quốc gia: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, cho thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa ba trụ cột này, cũng như cách thức thúc đẩy từng trụ cột trong mối quan hệ biện chứng giữa ba trụ cột. Đây là những cơ sở quan trọng cho việc biết rõ chúng ta cần phải làm gì và làm như thế nào.

+ Đi cùng với đó, để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tiến trình chuyển đổi số sẽ góp phần thông qua cải cách hành chính, cải cách thể chế, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước hiện đại, hiệu lực, hiệu quả để dẫn đạo tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

+ Tiếp đó, hướng dẫn cách thức thông qua việc đánh giá, đo lường tiến trình chuyển đổi số gắn kết với các mục tiêu chính trị – kinh tế – xã hội để tiến trình chuyển đổi số thực sự góp phần tạo ra sự chuyển đổi, đóng vai trò là một phương thức, là một tiến trình mang tính phương tiện, một công cụ để lãnh đạo, quản lý tiến trình phát triển kinh tế – xã hội đạt được các mục tiêu đề ra.

+ Đặt tiến trình chuyển đổi số vào trọng tâm phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Cần chỉ rõ phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ tạo nên một sự chuyển biến về chất của sự phát triển, một định hướng phát triển mới cần phải được kiến tạo. Từ đó, tiến trình chuyển đổi số là trọng tâm mang tính dẫn đạo, khoa học công nghệ mang tính động lực, và đổi mới sáng tạo mang tính dẫn động.

+ Cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Quyết định 749/QĐ-TTg) một cách cụ thể, có trọng tâm, có giải pháp, có nền tảng, có cơ sở, có chiến lược.

+ Cuối cùng là chỉ rõ, tiến trình chuyển đổi số quốc gia sẽ góp phần đưa Việt Nam hướng đến một tầm cao phát triển mới cụ thể như thế nào.

Đến năm 2025, TP. HCM sẽ đưa toàn bộ nền công vụ lên môi trường số. Ảnh: Hồ Văn

Hai là, cần phải đặt “bánh lái” tiến trình chuyển đổi số vào tay người có thẩm quyền cao nhất để thực sự có thể phối hợp một cách thống nhất, hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng hiệu quả tiến trình chuyển đổi số quốc gia ở tất cả các cấp, các ban, các ngành, các địa phương và toàn thể xã hội trên một con tàu chung. Thông qua đó:

i) Xây dựng một Tổng đồ chung cho toàn bộ tiến trình chuyển đổi số quốc gia bao hàm từ quy hoạch, kiến trúc, tổ chức triển khai, quản trị tiến trình chuyển đổi số trong một tổng thể Chiến lược số quốc gia. Trên cơ sở đó, hợp nhất tất cả các chủ trương, chính sách, đường lối, chiến lược, chính sách… có liên quan vào một Tổng thể chung, cho phép đảm bảo hợp nhất các nội dung cụ thể hóa này trong một chuẩn thức có tính hệ thống, có sự đồng bộ, và tạo được sự cộng hưởng hiệu quả. Đồng thời, lấy đó như một chỉ dẫn để cụ thể hóa, triển khai và hiện thực hóa các nội dung có liên quan, từ lập pháp, hành pháp, tư pháp.

ii) Định hình một Cơ quan Dữ liệu ở cấp quốc gia trực thuộc Trung ương Đảng để đảm bảo hợp nhất toàn bộ các hệ thống trục dữ liệu, hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống hạ tầng dữ liệu, hệ thống sử dụng dữ liệu thành một Kiến trúc Dữ liệu Nền tảng (Data Platform Architecture) quốc gia, cho phép hình thành nên một Hệ điều hành xã hội (Social Operating System) dựa trên dữ liệu. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với vai trò “nắm giữ” và “làm chủ” lực lượng sản xuất quan trọng nhất của kỷ nguyên mới thông qua “nắm giữ” và “làm chủ” nền tảng của quan hệ/phương thức sản xuất mới – phương thức sản xuất số.

iii) Đặt nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý tiến trình chuyển đổi số vào những người lãnh đạo đứng đầu của các cấp, các ban, ngành, tổ chức đi cùng với việc đào tạo một cách có hệ thống, bài bản về chuyển đổi số như một phương thức phát triển mới để những người lãnh đạo có được sự hiểu biết sâu sắc mà thông qua đó hành động đúng, nhận thức rõ được ý nghĩa của vai trò mình đang đảm nhận với tiến trình chuyển đổi số để chuyển đổi thành sức mạnh lãnh đạo, quản lý của mình. 

Hiện nay, điều đó đang là trở ngại, một điểm nghẽn lớn của tiến trình chuyển đổi số, khi chính nhiều lãnh đạo đứng đầu các cấp, thực sự chưa hiểu đúng bản chất, vai trò và vị trí của tiến trình chuyển đổi số. Rất cần thiết và cấp bách đưa nội dung bắt buộc trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo các cấp chính quy.

iv) Trên cơ sở biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu về chuyển đổi số, cần phải xây dựng một cơ chế đặc thù cho tiến trình chuyển đổi số để định hình các kết cấu ngân sách, đầu tư, quản lý đầu tư cho phép khơi thông và huy động một cách hiệu quả các nguồn lực của toàn thể xã hội góp phần một cách hiệu quả cho việc đầu tư vào tiến trình chuyển đổi số.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/hieu-sau-hanh-dong-dung-ve-chuyen-doi-so-giup-dat-nuoc-phat-trien-2334734.html