Việc phối hợp cho vay vốn đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần hiệu quả giúp nhiều phụ nữ tại Lạng Sơn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Muốn thoát nghèo, phải có vốn
Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cấp ủy Đảng, chính quyền tại Lạng Sơn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo; xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án chương trình giảm nghèo.
Kế hoạch thực hiện của Lạng Sơn là muốn giảm nghèo bền vững thì trước mắt cần giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh. Sau đó, muốn giảm nghèo bền vững thì cần giải quyết các vấn đề vay vốn, trợ giúp, hướng dẫn để phát triển kinh tế dựa trên điều kiện sẵn có phù hợp. Trong việc thực hiện giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, tỉnh Lạng Sơn xác định cần dành những sự ưu tiên hỗ trợ cho phụ nữ, giúp người phụ nữ tự mình thoát nghèo, tạo động lực để phụ nữ phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình.
Trong năm qua, gia đình chị Bế Thị Hạnh (xã Tân Tiến, huyện Tràng Định) đã chính thức thoát nghèo. Chị Hạnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị tai nạn. Thu nhập của chị đến từ trồng thạch đen và cây quế nhưng nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu kĩ thuật chăm sóc nên “mãi vẫn trong cảnh nghèo khó”. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN Tràng Định, nằm trong dự án giảm nghèo, chị Hạnh được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mở rộng sản xuất. Thu nhập từ quế và thạch đen ổn định hơn, hiện gia đình chị Hạnh đã không còn là hộ nghèo.
Góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đã tập trung hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với nhiều cách làm thiết thực.
Hội LHPN Lạng Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giao nhiệm vụ cho các cấp hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, dự án giảm nghèo đến các tầng lớp hội viên, phụ nữ, người nghèo và đối tượng thụ hưởng. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi các mô hình kinh tế hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo.
Từ thực tế địa phương, “muốn giảm nghèo, phải có vốn”, Hội LHPN Lạng Sơn đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn để thực hiện các chương trình cho vay vốn ưu đĩa cho phụ nữ phát triển sản xuất. Theo thống kê, Hội LHPN Lạng Sơn đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng dư nợ đạt trên 1.600 tỷ đồng, với 24.000 hộ vay vốn. Việc phối hợp cho vay vốn được đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, mục đích, góp phần hiệu quả giúp hội viên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức trên 300 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho hơn 12.000 lượt hội viên tham gia.
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn đã triển khai sớm các chương trình tín dụng, triển khai kịp thời các chương trình cho vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê, trong năm 2024, đã có hơn 5.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được vay vốn, hơn 2.700 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn. Nguồn vốn vay đã giúp người nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt là phụ nữ có vốn đầu tư chăn nuôi, chăm sóc và trồng rừng, cây ăn quả, phát huy được những sản phẩm, cây trồng thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn.
Tại tỉnh Lạng Sơn, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo ra hiệu quả trực tiếp, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Thực hiện lồng ghép giới trong giảm nghèo bền vững
Với sự phối hợp hiệu quả này, năm 2021 đến nay, hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ trên 3.300 hộ hội viên nghèo thoát nghèo và hộ cận nghèo thoát cận nghèo (vượt chỉ tiêu trung bình hằng năm 68%). Bằng chính nghị lực của bản thân, với sự hỗ trợ hiệu quả, nhiều phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình. Việc thực hiện lồng ghép giới trong giảm nghèo bền vững, để tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng tại Lạng Sơn.
Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, chúng tôi đặt ra chỉ tiêu hằng năm, mỗi cơ sở hội giúp 2 hộ hội viên thoát nghèo, 3 hộ hội viên thoát cận nghèo. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có hiệu quả như hỗ trợ phụ nữ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững”.
Qua quá trình thực hiện, để tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững cần sự phối hợp, huy động và lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn lực, cần khai thác được tốt hơn nguồn nội lực tại địa phương. Thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://pnvnweb.dev.cnnd.vn/lang-son-hieu-qua-von-vay-tin-dung-uu-dai-giup-phu-nu-thoat-ngheo-20241228194321108.htm