Để tối ưu hóa diện tích, gia tăng nguồn thu giúp duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất, các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn đưa cây ngắn ngày vào trồng xen canh dưới tán cây ăn quả. Hướng đi này không chỉ góp phần tăng giá trị sản xuất trên một diện tích đất mà còn tạo điều kiện cho cây có mối quan hệ cộng hưởng cùng phát triển, nâng cao năng suất.
Mô hình trồng cây ăn quả xen canh của gia đình ông Lê Đình Thựcở thôn Sơn Minh, xã Luận Thành (Thường Xuân).
Xác định trồng cây ăn quả là hành trình dài đòi hỏi người sản xuất phải có nguồn vốn và kỹ thuật sản xuất tốt, do đó gia đình ông Lê Đình Thực ở thôn Sơn Minh, xã Luận Thành (Thường Xuân) đã lựa chọn trồng xen canh cây ăn quả ngắn ngày như ổi, chuối và các loại cây trồng hằng năm như ngô, sắn, rau ăn lá xen canh dưới diện tích 2 ha bưởi, cam để “lấy ngắn nuôi dài”. Ông Lê Đình Thực cho biết: “Năm 2017 khi địa phương tuyên truyền, vận động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình đã lựa chọn phát triển diện tích bưởi, cam thay thế cho diện tích trồng keo, sắn hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, trồng cam, bưởi phải sau 3 – 4 năm mới cho thu hoạch nên cần nguồn vốn lớn. Để lấy nguồn kinh phí duy trì sản xuất và sinh hoạt, gia đình đã lựa chọn mô hình xen canh cây ngắn ngày vào đồi cam, bưởi. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp địa phương và tìm hiểu qua truyền thông, gia đình tôi đã lựa chọn đối tượng, tỷ lệ xen canh phù hợp, cho hiệu quả kinh tế ổn định”. Được biết, trên diện tích 2 ha trồng cam, bưởi, gia đình ông Thực đã trồng các loại cây họ đậu, ngô, rau ăn lá, sắn…
Đối với người dân ở “thủ phủ” cây ăn quả Thạch Thành, việc trồng xen canh cây trồng ngắn ngày vào diện tích cây ăn quả không còn xa lạ. Ông Mai Trọng Phúc, chủ trang trại Quế Phúc, xã Thành Tân, cho biết: “Trang trại 20 ha sản xuất cam Đường canh, bưởi – những đối tượng cây trồng có thời gian kiến thiết dài, từ 4 – 5 năm mới cho thu hoạch ổn định, nhưng vốn đầu tư lại khá lớn. Do đó, chúng tôi lựa chọn ổi, thanh long, dứa và một số loại cây trồng ngắn ngày thân cỏ (khoai lang, đậu, rau…) để trồng xen canh. Canh tác xen canh còn góp phần tạo độ phì cho đất, cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại”.
Theo đánh giá của Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có hơn 23.300 ha cây ăn quả thì có khoảng 60% mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh áp dụng biện pháp xen canh. Trồng xen canh cây ngắn ngày trong vườn cây ăn quả là mô hình tuy không mới nhưng mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để việc trồng xen canh hiệu quả, người sản xuất phải cần lưu ý về thổ nhưỡng, đặc tính của từng loại cây ăn quả để có sự lựa chọn phù hợp. Cùng với đó, cần chú trọng đến việc chọn đối tượng trồng xen canh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng chính. Ngoài ra, khi trồng xen canh, cần chú ý đến khoảng cách giữa các cây trồng, sự phù hợp giữa cây được trồng xen canh với cây trồng chính, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất.
Bài và ảnh: Lê Thanh