Phân cấp nhiều đầu việc
Giống như các quận khác trên địa bàn TP Hà Nội, quận Đống Đa đã và đang tập trung cao nhất để đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Trương Minh Quang cho biết, một trong những yếu tố tiên quyết, quan trọng góp phần thúc đẩy công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là việc TP không ngừng tăng cường phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, rõ rệt cho chính quyền các địa phương.
Trong đó, theo đặc thù từng vị trí, từng khu vực, từng địa bàn các quận, huyện sẽ chủ động áp dụng các chương trình, giải pháp, cũng như chủ động rà soát Kế hoạch triển khai công tác cải tạo, xây dựng chung cư cũ và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung thực hiện các kế hoạch khác đã đề ra nhằm bảo đảm tiến độ chung theo Đề án của TP.
Theo ông Trương Minh Quang, tính ưu việt nổi bật của việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ từ phía TP là tăng sự chủ động của các quận, huyện từ công tác lập quy hoạch, kiểm định cho tới công tác đền bù, lựa chọn hệ số đền bù (hệ số K), cũng như các vấn đề liên quan đến bố trí nguồn vốn, kinh phí để cho các địa phương thực hiện… Cũng nhờ vậy cho đến nay quận Đống Đa đã đạt một số kết quả bước đầu tương đối quan trọng. Cụ thể, với vấn đề lập quy hoạch, UBND quận đã hoàn thành lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, cải tạo 3 khu tập thể Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng và đã tổng hợp gửi Sở QH – KT thẩm định vào tháng 4/2024.
“Sau khi Sở QH – KT thẩm định và UBND TP phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cải tạo 3 khu tập thể Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng, UBND quận sẽ tổ chức hoàn chỉnh đồ án quy hoạch để tiếp tục công khai lấy ý kiến cộng đồng, hoàn chỉnh báo cáo TP xem xét phê duyệt theo quy định” – ông Trương Minh Quang thông tin.
Đối với công tác kiểm định UBND quận đã in 5.000 tài liệu (dạng tờ gấp) tổng hợp các quy định, chính sách pháp luật dễ nhớ, dễ hiểu để các phường gửi đến các hộ gia đình, công khai toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các thông tin, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, phân khu đô thị của quận, phường trên cổng thông tin điện tử (website) của quận, các phường; phối hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Sở Xây dựng, Sở QH – KT tổ chức các buổi hội nghị tập huấn, tuyên truyền tại 100% tổ dân phố trên địa bàn quận.
Kết quả, tính đến thời điểm này dựa trên tổng số nhà được TP phân cấp, giao UBND quận Đống Đa đã tổ chức kiểm định là 131 nhà. Số nhà còn lại chưa thực hiện kiểm định, UBND quận đã tổng hợp báo cáo UBND TP và Sở Xây dựng để xây dựng kế hoạch giao quận tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Riêng với công tác cải tạo nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận đang phối hợp Sở Xây dựng, các sở, ngành liên quan hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cùng với đó, theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, Sở TN&MT; UBND quận đã có tờ trình báo cáo UBND TP xem xét thống nhất giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê (với 42 căn hộ tại nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng) để làm cơ sở hoàn chỉnh, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
“Sau khi được TP, các sở, ngành chấp thuận, UBND quận Đống Đa sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và tổ chức công khai, thực hiện các bước tiếp theo…” – ông Trương Minh Quang nói.
Cần một cơ chế đặc thù
Giống hầu hết các khu tập thể cũ trên địa bàn TP, một số nhà chia lô của các khu tập thể cũ tại quận Đống Đa đã được các chủ sử dụng đất xây dựng cải tạo thành các công trình nhà ở kiên cố từ 3 đến 5 tầng và ăn ở ổn định. Còn các dãy nhà tập thể, trong quá trình sử dụng, các hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời do không được sửa chữa bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị xuống cấp dẫn đến nhiều nhà xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm đến người sinh sống bên trong.
Bà Hà Thị Dung, sinh sống tại Phòng P116, nhà C4 khu tập thể Kim Liên cho hay, khu nhà mà gia đình đang ở hiện đã xuống cấp nghiêm trọng với nhiều mảng vỡ, bong tróc trên trần nhà và tường xung quanh. Để có thể phục vụ sinh hoạt hàng ngày buộc gia đình phải lắp đặt hệ thống trần nhựa nhưng vẫn không ngăn được nước thấm dột thường xuyên rơi xuống sàn nhà.
Bên cạnh nỗi ám ảnh về sự xuống cấp, nhà C4 cũng thường xuyên bị ngập lụt và mùi hôi thối, xú uế bốc lên nồng nặc bởi bể phốt của khu nhà. “Quan ngại hơn là mỗi khi có mưa bão chúng tôi rất lo sợ chuồng cọp, bồn nước trên các tầng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Bởi vậy, cư dân nơi đây mong mỏi các cơ quan có thẩm quyền xem xét đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, để người dân sớm có nơi ở an toàn, ổn định” – bà Hà Thị Dung mong mỏi.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố khu nhà C4 chia sẻ, Tổ dân phố thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của quận Đống Đa, và phường Kim Liên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cư dân. Đặc biệt, sau khi có bản vẽ sơ thảo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, tổ dân phố đã tổ chức treo và dán công khai tại bản tin của các tòa nhà, khu nhà để người dân biết, ủng hộ, cũng như đóng góp ý kiến xây dựng cho quy hoạch được hoàn thiện.
Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên Nguyễn Quang Sơn cho biết, trên địa bàn phường tỷ lệ các khu chung cư cũ chiếm phần lớn cả về diện tích và dân số. Cụ thể, trong tổng số 16 tổ dân số toàn địa bàn thì có tới 13 tổ với khoảng 16.000 người là các cư dân sinh hoạt trong các khu tập thể cũ.
Điều đáng nói là các khu nhà được triển khai xây dựng từ những năm 1960 đến nay đều đã xuống cấp, với 3 tòa nhà là C1, C2, C13 theo kết quả kiểm điểm của các cơ quan chức năng đang trong cấp độ C. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, UBND quận Đông Đa về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, Đảng ủy, UBND phường Kim Liên đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch về công khai, tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách, đề án, kế hoạch của TP, quận đến từng hộ gia đình.
Được biết, tại các khu nhà chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa, dân số hiện có đều lớn hơn chỉ tiêu dân số quy định trong các ô quy hoạch của đồ án phân khu, bên cạnh đó chỉ tiêu số tầng cao công trình theo đồ án quy hoạch phân khu H1-3 cũng không bảo đảm để nhà đầu tư cân bằng vốn, nên hiện nay không thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư quan tâm tham gia thực hiện cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ.
“Do đó, phía địa phương mong được UBND TP, T.Ư xem xét tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là có một cơ chế đặc thù cho vấn đề cải tạo chung cư ở Hà Nội nói chung và quận Đống Đa nói riêng sau khi Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, đặc biệt xem xét tháo gỡ vướng mắc về chỉ tiêu dân số, chỉ tiêu số tầng cao và xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các nhà đầu tư quan tâm tham gia thực hiện cải tạo chung cư cũ tại các quận nội đô lịch sử như Đống Đa, Ba Đình…” – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa bày tỏ.
Quận Đống Đa là địa phương hiện có khối lượng nhiều nhất TP cả về công tác kiểm định và quy hoạch chung cư cũ. Cụ thể, trên địa bàn hiện có 20 khu tập thể cũ trong đó có 12 khu tập thể tập trung và 8 khu tập thể đơn lẻ với 507 nhà chung cư cũ được xây dựng ở giai đoạn năm 1960 – 1970 và khoảng đầu năm 1990 thuộc địa bàn 21 phường, với khoảng 20.013 căn hộ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hieu-qua-tu-phan-cap-uy-quyen.html