TP HCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; hàng năm đóng góp trên 1/5 GDP và trên 1/4 thu ngân sách cho ngân sách quốc gia. Đặc biệt, TP HCM là địa phương luôn tiên phong thực hiện thí điểm và đề xuất với trung ương nhiều cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và thành phố nói riêng.
Đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, đối tượng chính sách
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và Hội đoàn thể các cấp trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 40), Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (sau đây gọi tắt là Kết luận 06) và các văn bản chỉ đạo của Thành uỷ, UBND Thành phố về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP HCM cho thấy những kết quả nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, 5 năm 2021 – 2025.
Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP HCM đang thực hiện 8 chương trình tín dụng chính sách chủ yếu trên địa bàn, trong đó, có 04 chương trình được cho vay bằng nguồn vốn địa phương.
Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2015 đến hết tháng 4-2024 đạt 24.291 tỉ đồng, với gần 560.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 15.365 tỉ đồng, bằng 63,3% doanh số cho vay.
Đến hết tháng 4-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 11.058 tỉ đồng, tăng 8.834 tỉ đồng so năm 2014, với 190.930 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bình quân một hộ dư nợ đạt 57,9 triệu đồng, tăng 40,7 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 9.743 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 88,1%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 1.315 tỉ đồng, chiếm 11,9%/tổng dư nợ.
Hiệu quả từ 5 chương trình tín dụng lớn
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP HCM, dư nợ tín dụng từ các chương trình tập trung chủ yếu vào 5 chương trình tín dụng lớn, chiếm trên 99% tổng dư nợ.
Cụ thể, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Dư nợ cho vay của chương trình bao gồm nguồn vốn trung ương và địa phương đạt hơn 8.029 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 72,6% tổng dư nợ, với 138.204 khách hàng đang vay vốn. Doanh số cho vay đạt 15.660 tỉ đồng với 304.419 lượt khách hàng được vay vốn.
“Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn nhất trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện đã góp phần quan trọng giúp cho trên 566.700 lượt lao động có việc làm, góp phần làm giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của TP HCM”, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP HCM nhấn mạnh.
Chương trình cho vay Hỗ trợ giảm nghèo được Ban Xoá đói giảm nghèo trước đây (nay là Ban giảm nghèo bền vững) các cấp của thành phố triển khai thực hiện cho vay trên địa bàn kể từ năm 1994. Đến cuối năm 2015 và đầu năm 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và phù hợp với tình hình thực tế triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 theo phương pháp tiếp cận đa chiều tại thành phố, Quỹ Xoá đói giảm nghèo được uỷ thác, bàn giao qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố quản lý. Từ đó, thực hiện cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn, với tổng dư nợ tại thời điểm nhận bàn giao là 215,9 tỉ đồng.
Sau gần 8 năm nhận bàn giao, tổng doanh số cho vay đạt 3.976 tỉ đồng, với trên 68.800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thành phố được vay vốn.
Đến nay, dư nợ chương trình đạt 1.671,2 tỉ đồng, tăng 1.455,3 tỉ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, chiếm tỉ trọng 15,1% tổng dư nợ, với 33.690 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo các giai đoạn đang vay vốn. Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn thứ hai trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện.
Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, được triển khai tại 5 huyện ngoại thành của thành phố, dư nợ đạt 565,3 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 5,1% tổng dư nợ, với trên 32.938 hộ đang vay vốn. Doanh số cho vay đạt 1.917 tỉ đồng, với hơn 120.800 lượt hộ được vay vốn.
Với việc vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch, các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường đã giúp các hộ gia đình trên địa bàn 5 huyện ngoại thành của thành phố nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: Dư nợ cho vay của chương trình đạt 634,4 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 5,7% tổng dư nợ, với hơn 13.226 khách hàng đang vay vốn. Doanh số cho vay đạt 1.909,3 tỉ đồng, với hơn 123.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; doanh số thu nợ đạt 1.323,3 tỉ đồng.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP HCM, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước và thành phố nói riêng.
Qua đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.
Chương trình cho vay Nhà ở xã hội: Từ năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam giao vốn để triển khai thực hiện chương trình cho vay Nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ trên địa bàn Thành phố.
Tổng doanh số cho vay đạt 157,2 tỉ đồng, với 322 lượt khách hàng được vay vốn, tổng doanh số thu nợ đạt 45,5 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ chương trình đạt 111,7 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 1% tổng dư nợ, chưa phát sinh nợ quá hạn, với 291 khách hàng đang vay vốn. Chương trình đã hỗ trợ cho một số người thu nhập thấp, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang…trên địa bàn có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố cũng thực hiện 3 chương trình tín dụng ưu đãi trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và một số chương trình, dự án do các chủ đầu tư trên địa bàn uỷ thác thực hiện. Cụ thể, Chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn… Các chương trình trên có tổng dư nợ cho vay đạt 45,9 tỷ đồng và có trên 1.540 khách hàng đang vay vốn.
Nguồn: https://nld.com.vn/tp-hcm-hieu-qua-tu-nhung-chuong-trinh-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-196240620215526588.htm