Với sự tài trợ của Cơ quan Tài nguyên Thủy sản Hàn Quốc (FIRA), dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ” tại TP.Hội An đã và đang tạo ra nguồn lợi thủy sản bền vững thông qua mô hình quản lý và phục hồi nguồn lợi thủy sản bằng rạn nhân tạo.
Đại diện Cơ quan Tài nguyên Thủy sản Hàn Quốc (FIRA), bà Lee Kyung Seon – Giám đốc dự án, cho biết, sau 5 năm triển khai dự án tại TP.Hội An (2018 – 2022), FIRA rất vui mừng khi được nhìn thấy kết quả ban đầu mà dự án mang lại cho vùng biển Cù Lao Chàm trong việc giữ gìn hệ sinh thái biển.
“Dự kiến thời gian đến chúng tôi sẽ có chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân Cù Lao Chàm thông qua việc gắn kết du lịch với khu vực thả rạn nhân tạo này nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân nơi đây.
Đồng thời kết nối với các cơ quan, ban ngành của Quảng Nam để tiếp tục nối dài chuỗi liên kết sinh thái biển thông qua việc hỗ trợ mô hình này tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành” – bà Lee Kyung Seon nói.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An, dự án đã khảo sát, đánh giá được các thông số kỹ thuật liên quan đến nền đáy, dòng chảy, thủy triều, nhiệt độ… tại vùng biển Cù Lao Chàm phục vụ cho việc xác định cấu trúc rạn nhân tạo, địa điểm lắp đặt, loài bổ trợ cho rạn nhân tạo…
Tiếp đó, cơ quan chuyên môn đã lựa chọn được cấu trúc rạn phù hợp cho vùng biển Cù Lao Chàm theo cấu trúc hình khối lập phương (2mx2mx2m) kết cấu bê tông cốt thép. Cấu trúc rạn này đã được FIRA nghiên cứu và áp dụng tại các vùng biển ở Hàn Quốc, một số vùng biển nhiệt đới trước đây.
Dự án góp phần nâng cao năng lực quản lý nguồn lợi thủy sản, kỹ thuật xây dựng mô hình rạn nhân tạo, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên trên mô hình rạn nhân tạo, sử dụng thiết bị nghiên cứu biển… cho cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cán bộ địa phương. Các chương trình tập huấn tại Hội An và Hàn Quốc cũng góp phần tạo nguồn nhân lực quan trọng cho việc thực hiện cũng như duy trì và phát triển các kết quả của dự án.
“Thông qua dự án có tổng cộng 600 cấu trúc rạn nhân tạo đã được thiết lập tại 5 khu vực, trong đó 4 khu vực bao xung quanh Rạn Mành và 1 khu vực tại Bãi Xếp – Cù Lao Chàm.
Từ đó tạo tính kết nối sinh thái giữa sinh cảnh tự nhiên là các rạn san hô và thảm rong biển với khu vực rạn nhân tạo, góp phần tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ương giống các loài sinh vật biển, thúc đẩy quá trình phục hồi nguồn lợi tự nhiên tại vùng.
Đặc biệt, 50 khối rạn được bố trí tại Bãi Xếp tạo thành phức hợp san hô – rong nhằm gia tăng khả năng tái tạo nguồn lợi. Đồng thời hỗ trợ cộng đồng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, giảm áp lực lên các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn” – ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Hội An, cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vũ, dự án đã hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu biển, bổ sung và nâng cấp cơ sở dữ liệu khoa học cho vùng biển Cù Lao Chàm cũng như các vùng nước khác tại Việt Nam.
Nhiều trang thiết bị nghiên cứu biển như máy quét tầng đáy Sonar, máy quét cầm tay Lowrance, máy đo sâu hồi âm Hypack, thiết bị lặn sâu, máy chụp ảnh dưới nước, máy đo chất lượng nước đa chỉ tiêu đã được Cơ quan Tài nguyên Thủy sản Hàn Quốc tài trợ, giúp Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện được những nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu vùng biển.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Thành công của dự án đã cho thấy được sự phù hợp của công nghệ rạn nhân tạo đối với vùng biển Cù Lao Chàm, cũng như tính hiệu quả trong hình thành các sinh cư mới cho loài thủy sinh. Qua đó góp phần bảo vệ đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”.