Với nhiệm vụ là cơ quan đầu mối của tỉnh trong quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, thời gian qua, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Ninh Bình đã chú trọng thiết lập quan hệ tốt đẹp với các đối tác nước ngoài; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nhân đạo tại tỉnh, qua đó góp phần hỗ trợ khó khăn cho đối tượng yếu thế trong vùng dự án. Thông qua vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cũng khẳng định vai trò, vị thế của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014-2022, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh đã vận động được trên 6,5 triệu USD với 36 tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài tài trợ cho 28 chương trình/dự án tại tỉnh; trong đó có khoảng 11 tổ chức có quan hệ đối tác thường xuyên và ổn định. Các chương trình, dự án viện trợ đã và đang được thực hiện thuận lợi, đáp ứng mục đích và yêu cầu đề ra, góp phần nâng cao năng lực quản lý, thực hiện dự án của cán bộ quản lý ở cấp sở cũng như cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ khó khăn cho số đối tượng yếu thế trong xã hội.
Tiêu biểu là Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2017-2021, Tổ chức SAP-VN (Mỹ) hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật vận động, Tổ chức Four Paws quốc tế (Đức) thực hiện Dự án Hỗ trợ kinh phí vận hành Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình; Tổ chức Help Age International (HAI) thực hiện dự án “Hỗ trợ người cao tuổi thiệt thòi thông qua nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam thực hiện tại tỉnh Ninh Bình”, Tổ chức BasicNeeds (Anh) tài trợ dự án “Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả tại tỉnh Ninh Bình”, Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế và Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Hội Nông dân châu Á vì sự phát triển bền vững (AFA) cho dự án “Chương trình nông dân châu Á – Thái Bình Dương”…
Ông Đinh Ngọc Hà, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Ninh Bình là một trong 2 tỉnh được tổ chức Liên minh châu Âu tài trợ thực hiện Dự án Thúc đẩy chăm sóc sức khỏe thông qua câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (Dự án SUNI-SEA 688 VIE 688 giai đoạn 2021-2022). Thực hiện Dự án, Ninh Bình có 25 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được hỗ trợ các hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức mọi mặt, nhất là thực hiện các giải pháp can thiệp và phòng, chống bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại cộng đồng. Cùng với hoạt động của Dự án, đến nay Ninh Bình đã phối hợp chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả của 96 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, với 5.770 thành viên (trong đó có 3.765 thành viên là người cao tuổi) tham gia sinh hoạt theo mô hình của dự án.
“Thành công bước đầu của Dự án đã đem đến lợi ích nhiều mặt không chỉ riêng đối với các đối tượng được hưởng lợi từ dự án mà thông qua đó còn nâng cao năng lực quản lý, thực hiện dự án của cán bộ quản lý ở cấp cơ sở; tăng cường hiểu biết của người dân trong vùng dự án về các vấn đề chăm sóc sức khỏe bản thân; nâng cao ý thức vệ sinh, môi trường, sản xuất kinh tế có hiệu quả, từng bước thoát nghèo và xây dựng cho người dân ý thức tự vươn lên trong cuộc sống”- ông Đinh Ngọc Hà khẳng định.
Đối với các y, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh và nhân viên y tế tuyến cơ sở thì việc được tham gia dự án “Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả tại tỉnh” do Tổ chức BasicNeeds tài trợ, chính là cơ hội để nâng cao năng lực quản lý phát hiện và hỗ trợ điều trị, góp phần chăm sóc toàn diện cho những người bị bệnh trầm cảm, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Dương Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Từ tháng 7/2022, Bệnh viện Tâm thần tỉnh được tổ chức phi chính phủ BasicNeeds (Anh) tài trợ dự án “Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả tại tỉnh Ninh Bình” tại 5 xã của huyện Hoa Lư. Đến nay, đã có gần 1.000 người đã được tiếp cận và cung cấp các kiến thức về trầm cảm và hỗ trợ điều trị trầm cảm tại cộng đồng; gần 500 người có nguy cơ cao đã được giới thiệu lên Trạm y tế xã để sàng lọc bệnh; phát hiện trên 250 người có dấu hiệu trầm cảm vừa và nhẹ, đồng thời chuyển 54 trường hợp có dấu hiệu trầm cảm nặng lên điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Ngoài ra, đã thành lập 5 nhóm điều trị trầm cảm tại cộng đồng. Sau một thời gian triển khai dự án, cho thấy những bệnh nhân trầm cảm nặng, hoặc những người có dấu hiệu trầm cảm vừa và nhẹ đã được hỗ trợ kịp thời đã có những chuyển biến, dần phục hồi sức khỏe tinh thần. Đây thực sự là một kết quả tốt giúp người bệnh không phải đến cơ sở y tế điều trị mà vẫn có thể kiểm soát tốt bệnh để tham gia lao động, sản xuất, góp phần giảm tối đa gánh nặng về kinh tế, đem lại an vui cho mỗi gia đình và bình yên thôn xóm.
Với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh, các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã được triển khai theo đúng quy định và đem lại lợi ích nhiều mặt, huy động nguồn lực cả về vật chất cũng như về tri thức, kinh nghiệm, công nghệ…, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Quá trình hợp tác, Liên hiệp đã mở rộng quan hệ và tạo được uy tín, niềm tin đối với các tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất và người Ninh Bình, góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Cũng thông qua các hoạt động tạo cơ hội để nhân dân Ninh Bình thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới.
Bài, ảnh: Mai Lan