Ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia có chung đường biên giới kéo dài nên các loại tội phạm như mua bán người xuyên quốc gia, hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại dọc khu vực biên giới ba nước luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.
Trong những năm qua, mối quan hệ trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng bảo vệ biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, việc tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin, xử lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm trên các tuyến biên giới đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp, hợp tác toàn diện giữa nhân dân và Quân đội 3 nước; từng bước thúc đẩy quan hệ đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng giữa 3 nước ngày càng đi vào chiều sâu và có thêm nhiều bước phát triển mới.
Bám sát thực tiễn công tác, trong những năm qua, BĐBP Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới hai nước Lào, Campuchia trong trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình trên các tuyến biên giới cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch cũng như các loại tội phạm. Qua đó, giúp cho công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật của từng nước và điều ước quốc tế có liên quan.
Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị tiến hành tuần tra song phương với Đại đội Biên phòng 511, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan (Lào). Ảnh: Nguyễn Thành Phú
Tỉnh Sơn La có hơn 274km đường biên giới giáp với hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng (Lào), đây là địa bàn có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Bắc; đồng thời, đây cũng là nơi tiềm ẩn những yếu tố về an ninh nội địa, an ninh biên giới, nhất là hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, BĐBP Sơn La đã tăng cường phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới hai tỉnh của nước bạn Lào thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ, chủ động đấu tranh mạnh với các loại tội phạm, trong đó, xác định đấu tranh với tội phạm ma túy là nhiệm vụ then chốt.
Để làm tốt nhiệm vụ này, các bên đã duy trì tốt cơ chế trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình di biến động của các đối tượng; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các phương án, kế hoạch về công tác phòng chống tội phạm ngay từ địa bàn cơ sở. Đồng thời, phối hợp mở nhiều đợt cao điểm tấn công, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm, đặc biệt, trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
Còn tại tỉnh Kon Tum, với vai trò là “cầu nối” quan trọng trong thực hiện công tác đối ngoại Biên phòng cũng như phối hợp với lực lượng chức năng của Lào và Campuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới hai nước tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại…
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Hiệp định thương mại biên giới giữa ba nước đã giúp cho các hoạt động hợp tác thương mại đa phương có nhiều bước chuyển vượt bậc, thủ tục hành chính tại khu vực cửa khẩu dần được “chuyển đổi số”, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thông quan hàng hóa, người và phương tiện. Điều này một mặt tạo ra nhiều thuận lợi, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội qua biên giới, trong đó có tội phạm về mua bán người.
Đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh tiếp nhận 33 công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động từ lực lượng chức năng Campuchia. Ảnh: Đức Tài
Tại tỉnh Tây Ninh, đây được xác định là một trong những địa bàn “nguồn” và địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người. Trong công tác phối hợp với các lực lượng chức năng Campuchia, BĐBP Tây Ninh cũng thường xuyên duy trì thực hiện tốt công tác trao đổi phối hợp tổ chức hội đàm, trao đổi thông tin qua Văn phòng Liên lạc phòng, chống ma túy và tội phạm qua biên giới (Văn phòng BLO) để phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hành động và thiết lập đường dây nóng để thu nhận, xử lý các nguồn tin có liên quan đến hợp tác giữa Văn phòng BLO hai bên biên giới Việt Nam – Campuchia.
Từ những kết quả đã đạt được và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc của ba nước nói chung và của mỗi nước nói riêng, đặc biệt là an ninh, trật tự trên toàn tuyến biên giới, tại các cuộc giao lưu hữu nghị, hội đàm ký kết bản ghi nhớ (thỏa thuận), gặp gỡ, lực lượng bảo vệ biên giới ba nước đều thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin tình hình liên quan đến biên giới và trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; duy trì và phát huy các cơ chế hợp tác quốc phòng – an ninh, hợp tác xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển bền vững./.
Bích Hường