Thời gian qua, Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh (thuộc Sở VH-TTDL) đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở. Đặc biệt, đội có những cách làm sáng tạo và đã giúp cho công tác tuyên truyền pháp luật mang lại hiệu quả cao.
Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Đắc Lua, H.Tân Phú). Ảnh: A.NHƠN |
* Đẩy mạnh tuyên truyền hướng về cơ sở
Vừa qua, Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh đã vượt chặng đường dài khoảng 170km để đến tuyên truyền pháp luật về phòng, chống đuối nước cho các em học sinh tại điểm Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thuộc ấp 7, xã Đắc Lua, H.Tân Phú).
Để tạo ấn tượng và thu hút đông đảo các em học sinh và phụ huynh tham gia, các thành viên trong Đội Tuyên truyền lưu động đã mở đầu chương trình bằng các tiết mục biểu diễn văn nghệ vui nhộn, hấp dẫn với những bài hát gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi. Sau đó, đội đã lồng ghép chương trình tuyên truyền pháp luật về phòng, chống đuối nước với những nội dung cơ bản như: đuối nước là gì, nguyên nhân gây đuối nước, cách phòng chống đuối nước và xử lý tình huống khi gặp tai nạn đuối nước.
Ngoài ra, các thành viên trong đội còn tổ chức trò chơi và lồng ghép những câu hỏi liên quan đến kiến thức phòng, chống đuối nước. Những học sinh mạnh dạn đứng lên phát biểu, dù trả lời đúng hay chưa đúng đều được nhận quà của ban tổ chức. Cách làm này đã thu hút sự tham gia sôi nổi của các em và giúp cho buổi tuyên truyền mang lại hiệu quả cao.
Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm văn hóa – điện ảnh tỉnh NGUYỄN CAO THÉP chia sẻ: “Trong dịp hè, chúng tôi đã tập trung nhiều thời gian đi tuyên truyền pháp luật trong các trường học. Nội dung tuyên truyền được chọn lọc bài bản và phù hợp với lứa tuổi các em học sinh như: phòng chống đuối nước; phòng, chống ma túy; bạo lực học đường; an toàn giao thông”.
|
Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc Quách Văn Tiến cho biết, trường có tổng số hơn 600 học sinh; trong đó, riêng điểm trường tại ấp 7 đã có hơn 100 em. Cuộc sống của các em tại vùng sâu, vùng xa này còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn so với trẻ ở thành thị. Do đó, Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh tổ chức chương trình tuyên truyền pháp luật rất thiết thực, bổ ích vì đã giúp cho các em nắm những kiến thức cơ bản về phòng, chống đuối nước để có thể tự bảo vệ chính mình. Qua đó còn giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức và phối hợp cùng nhà trường trong việc quản lý chặt chẽ con em mình, nhằm tránh tình trạng tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra.
Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua Trần Thị Khuyên cho hay, đặc thù người dân ở ấp 7 (xã Đắc Lua) có tới 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cụm dân cư vùng sâu, vùng xa và cách trung tâm xã Đắc Lua gần 20km; trong đó, nhiều đoạn đường đất thường xảy ra tình trạng “nắng bụi, mưa lầy”. Cho nên, người dân gặp nhiều khó khăn mỗi khi đi ra trung tâm xã để đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật của người dân ở ấp 7 (xã Đắc Lua) còn có những hạn chế nhất định. Cho nên, chính quyền địa phương trong thời gian qua đã quan tâm tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền pháp luật cho người lớn và trẻ em. Trong năm 2023, xã đã mời báo cáo viên của H.Tân Phú đến chia sẻ về những nội dung cơ bản của Luật Trẻ em năm 2016; phối hợp với Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh tổ chức chương trình tuyên truyền phòng, chống đuối nước… Nhờ đó, nhận thức về pháp luật của bà con trên địa bàn ấp nói chung, trẻ em nói riêng ngày càng được nâng lên.
“Chúng tôi mong rằng, Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh cũng như các cơ quan, đơn vị khác tiếp tục quan tâm và có những chương trình tuyên truyền pháp luật đến với người dân xã Đắc Lua nhằm giúp bà con nâng cao nhận thức pháp luật để chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự phát triển của địa phương” – bà Khuyên chia sẻ.
* Những sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực
Ông Nguyễn Cao Thép, Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh cho biết, để định hướng và tuyên truyền có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, bản thân ông và các thành viên trong đội luôn nỗ lực tư duy đổi mới về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền pháp luật. Từ đó, ông Thép đã có những sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, ông Thép đã chủ động xin chủ trương của cấp trên cho thực hiện tuyên truyền lưu động kết hợp với mô hình Gian hàng 0 đồng. Tức là người dân và công nhân đến xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật, vừa được nghe tuyên truyền pháp luật và nhận quà (quần, áo, tập vở, túi xách, nón, dép, giày…). Mô hình đã được áp dụng từ cuối năm 2022 và duy trì ổn định cho đến nay.
Để mô hình Gian hàng 0 đồng duy trì ổn định trong thời gian qua, ông Thép và các thành viên trong Đội Tuyên truyền lưu động đã đăng tin, bài trên mạng xã hội để kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ quần áo, tập sách, nón, giày, dép, túi xách (mới hoặc cũ nhưng còn sử dụng được). Sau đó, các thành viên trong đội tiến hành giặt, phơi, ủi, sắp xếp đàng hoàng cho vào thùng rồi mang đi trong mỗi đợt lưu diễn để phục vụ miễn phí cho nhân dân, đặc biệt là bà con tại các xã vùng sâu, vùng xa hoặc công nhân tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
“Đến nay, việc kết hợp thực hiện mô hình Gian hàng 0 đồng vào công tác tuyên truyền lưu động được xem là một trong những cách làm sáng tạo và đã mang lại hiệu quả cao. Bởi cách làm này vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ tinh thần, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ vật chất cho nhân dân; mang đến cho bà con niềm vui, sự phấn khởi. Đặc biệt, đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật đến với nhân dân” – ông Thép tâm sự.
An Nhơn
.