Gia đình anh Vara Nhông Khẩn chuyển từ xã Ma Nới (Ninh Sơn) đến thôn Suối Rớ, xã Phước Chính lập nghiệp năm 2018, kinh tế những ngày đầu chuyển đến nơi ở mới còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn phát triển sản xuất. Từ ngày được ĐV trẻ Kadá Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Chính tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy làm ăn, anh Khẩn mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để phát triển sản xuất. Ban đầu, anh đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản, nhờ chăm sóc kỹ nên đàn bò từ 3 con giờ đã phát triển lên 6 con, năm 2021 anh bán bớt 1 con bò để có vốn mở quán bán cà phê và trà sữa tại nhà nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Anh Khẩn chia sẻ: Chị Yến được đi tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt ở huyện, ở xã, về thôn chị phân tích cho tôi thấy chăn nuôi kết hợp với buôn bán sẽ giúp gia đình có thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó, tôi làm theo, nên giờ kinh tế gia đình đã được cải thiện.
Đảng viên Katơr Chí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hòa hướng dẫn bà Pi Năng Thị Hai
ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa cách chăm sóc đàn bò trong mùa khô.
Cũng như gia đình anh Khẩn, gia đình bà Pi Năng Thị Hai ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhà có 5 sào đất, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ vào mùa mưa với các loại cây trồng như bắp, đậu. Từ ngày được ĐV Katơr Chí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hòa vận động thay đổi tư duy sản xuất, gia đình bà mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng mì và chăn nuôi 4 con bò sinh sản từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện. Bà Hai tâm sự: Anh Chí thường xuyên đến gia đình hỏi thăm tình hình sản xuất và chăn nuôi, khi cây trồng và vật nuôi bị bệnh thì anh hướng dẫn cách phòng bệnh và tiêm phòng cho đàn gia súc. Với sự giúp đỡ của anh Chí, gia đình tôi cố gắng làm ăn và đã thoát nghèo.
Việc phân công cán bộ, ĐV giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững là chủ trương hợp lòng dân và giàu tính nhân văn, thể hiện sự chia sẻ, trách nhiệm, trí tuệ của mỗi ĐV và toàn xã hội đối với hộ nghèo. Nói về kinh nghiệm vận động hộ nghèo, anh Chí chia sẻ: Tôi thường xuyên đến từng nhà để vận động, dựa vào điều kiện sản xuất từng hộ, tôi tư vấn bà con nên trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi khoa học, bên cạnh đó cũng tư vấn bà con vay vốn để thực hiện các mô hình, nhờ đó giúp kinh tế của nhiều hộ ngày càng phát triển.
Trong những năm qua, Huyện ủy Bác Ái không chỉ phân công mỗi ĐV giúp một hộ nghèo mà còn giao nhiệm vụ cho Đảng ủy các xã chỉ đạo các hội, đoàn thể, phòng, ban phụ trách từ 3-5 hộ nghèo để hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong huyện sản xuất. Qua triển khai mô hình giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương. Nhiều hộ tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, hình thành các khu dân cư kiểu mẫu.
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết: Mô hình mỗi đơn vị, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức đảng, mỗi ĐV cùng đồng hành với công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện đã thể hiện vai trò tiền phong gương mẫu, đi trước của ĐV là hết sức quan trọng, đây là sự chỉ đạo, lãnh đạo của tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là vấn đề lo cho dân, chăm cho dân. Qua triển khai mô hình đến nay nhiều hộ dân đã thay đổi nhận thức, không chỉ thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi, một số hộ còn biết buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, qua đó giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 34,8%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 5%. Trong thời gian tới huyện tiếp tục nhân rộng mô hình mỗi ĐV đăng ký giúp đỡ ít nhất một hộ nghèo để thực hiện nhiệm vụ chung là giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững.
Kha Hân