Thời gian qua, nguồn vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) đã được tỉnh thu hút và sử dụng có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao năng lực hoạt động và uy tín trong cộng đồng quốc tế của các tổ chức địa phương khi cùng các tổ chức PCPNN tham gia xây dựng chính sách, bảo đảm quyền con người, xây dựng quan hệ thương mại bình đẳng giữa các nước trên thế giới.
Ký kết dự án “Hỗ trợ kỹ thuật phát triển mô hình Trường cấp ba Nông nghiệp tỉnh Nam Định” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thực hiện.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
|
Trên địa bàn tỉnh có gần 40 tổ chức PCPNN được cấp phép hoạt động. Trong đó chủ yếu là các tổ chức PCPNN của Mỹ và châu Âu; hoạt động tập trung chủ yếu ở những địa bàn ven biển và một số địa phương còn khó khăn về kinh tế như các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản… Trong năm 2022, tỉnh tiếp nhận, phê duyệt 8 dự án PCPNN với tổng giá trị viện trợ là 11,342 tỷ đồng và 88.831USD gồm các tổ chức: Helen Keller (Thuỵ Sỹ) tài trợ 3 dự án về chăm sóc mắt học đường cho Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Xuân Trường; tổ chức Dansk Handicap Forbund tài trợ cho Hội Người khuyết tật tỉnh thực hiện dự án “Nâng cao năng lực và phát triển tổ chức cho Hội Người khuyết tật Việt Nam tỉnh Nam Định”; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thực hiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật phát triển mô hình Trường cấp ba Nông nghiệp tỉnh Nam Định”; Quỹ Abilis (Phần Lan) đã tài trợ 2 dự án hỗ trợ phát triển sinh kế cho Hội Người mù huyện Xuân Trường và Hội Người khuyết tật huyện Ý Yên; Tổ chức Tình nguyện vì Hòa Bình (Volunteers for Peace – VFP) Việt Nam tài trợ cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện dự án tiếp nhận tình nguyện viên người nước ngoài vào hoạt động tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Các chương trình, dự án viện trợ chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như: Phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, văn hóa, dạy nghề, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội khác như giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật…
Tất cả các dự án sau khi được phê duyệt đều được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, góp phần nhất định trong việc cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn hoặc đối tượng yếu thế trong xã hội, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn. Trong đó dự án “Hỗ trợ kỹ thuật phát triển mô hình Trường cấp ba Nông nghiệp tỉnh Nam Định” do JICA tài trợ cho Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định với giá trị tài trợ là 10 triệu Yên, tương đương 88.831USD. Dự án nhằm mục tiêu chính là đào tạo đội ngũ giáo viên nòng cốt; chuyển giao tri thức, phương pháp giảng dạy, phương pháp thực hành theo chương trình giáo dục kiểu Nhật Bản. Theo đó, học sinh sẽ thuận lợi trong quá trình học tập cũng như đi làm sau này, ngoài việc được học văn hóa, được cấp bằng THPT còn được dạy kỹ thuật làm nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ được đưa sang Nhật Bản làm việc từ 3-5 năm tại các công ty nông nghiệp, công ty chế biến thực phẩm và có thu nhập để các em học tiếp 4 năm đại học tại Trường Minami Kyushu, tỉnh Miyazaki. Sự ra đời của mô hình đào tạo chất lượng cao Trường cấp ba Nông nghiệp Nhật Bản tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định đã mang đến cho học sinh trung học cơ sở của tỉnh một cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở trường bản thân và nhu cầu lao động của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng theo đúng định hướng phân luồng học sinh trong công tác đào tạo nghề. Trước đó tỉnh ta cũng đã quản lý và tạo điều kiện cho các đoàn khách nước ngoài, các tổ chức PCPNN đến hoạt động tại tỉnh trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành với nhiều dự án ý nghĩa như: “Mở rộng mô hình chăm sóc tật khúc xạ học đường tại huyện Hải Hậu”; dự án “Hỗ trợ tiền ăn bán trú cho các cháu Trường Mầm non xã Yên Hồng, huyện Ý Yên”; dự án “Nâng cao năng lực và phát triển tổ chức cho các hội của người khuyết tật Việt Nam”; dự án xây dựng Trường Tiểu học Hải Lý (Hải Hậu).
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh ưu tiên hợp tác và vận động viện trợ PCPNN hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng ven biển dễ bị ảnh hưởng của thiên tai; đào tạo nghề, phát triển ngành nghề thủ công, tăng cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế và thu nhập cho người dân; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chương trình tín dụng và tiết kiệm dựa vào cộng đồng; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích phòng chống và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng, các công trình tái thiết, cứu trợ khẩn cấp thiên tai…
Để tăng cường thu hút vận động, quản lý, khai thác hiệu quả nguồn viện trợ PCPNN, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động trên địa bàn; tăng cường trao đổi và cung cấp thông tin giữa các cơ quan Trung ương với địa phương về các tổ chức PCPNN và hoạt động viện trợ của các tổ chức. Tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng xây dựng, vận động các tổ chức PCPNN, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực chuẩn bị dự án cho cán bộ đầu mối địa phương và các đơn vị, tổ chức liên quan. Tỉnh cũng đề nghị các cơ quan Trung ương, Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN (Bộ Ngoại giao) quan tâm, giúp đỡ giới thiệu các tổ chức PCPNN có tiềm năng, các Đại sứ quán, cơ quan hợp tác phát triển, cơ quan của Liên hợp quốc, các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động viện trợ tìm hiểu, tiếp cận nhằm đa dạng các loại hình và kêu gọi vận động viện trợ cho tỉnh./.
Nguyễn Hương