Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua xã Vân Sơn (Triệu Sơn) đã chuyển đổi hàng trăm ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây đào cảnh đem lại giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trước.
Anh Lê Đức Toàn ở xã Vân Sơn uốn tỉa, tạo dáng cho vườn đào.
Đang mải mê uốn tỉa, tạo dáng cho những cây đào cảnh, anh Lê Đức Toàn ở thôn 2, xã Vân Sơn – chủ vườn đào 0,7 ha cho biết: “Do có khoảng thời gian 10 năm tham gia trồng đào cảnh ở xã Xuân Du (Như Thanh) nên tôi học được các bí quyết trồng đào đem lại giá trị thu nhập rất cao. Vì vậy, năm 2019 tôi về quê và quyết định chuyển 4 sào đất lúa của gia đình có năng suất kém do khó khăn về nguồn nước trong vụ sản xuất chiêm xuân, chuyển sang trồng đào cảnh. Ngoài 4 sào đất lúa của gia đình, tôi còn thuê thêm ruộng của các hộ có ruộng ngay cạnh được 15 sào. Trên diện tích này, tôi cải tạo đưa các giống đào quý ở các vùng, miền về trồng như đào phai kép Quảng Chính (Quảng Xương), đào Hà Nội, Hải Phòng, Mộc Châu… Trong đó, đào phai Quảng Chính là đẹp nhất với số lượng 400 gốc trong tổng số 600 gốc đào. Mặc dù, mới đưa vào trồng được 4 năm nhưng nhờ có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc đào cảnh nên vườn đào của gia đình tôi phát triển tốt, ra nhiều hoa và nở đúng dịp tết. Hơn nữa, kỹ thuật tạo thế, bon – sai đẹp nên bình quân mỗi cây có giá vài triệu đồng. Tiền bán đào hàng trăm gốc mỗi năm giúp gia đình không những trả hết khoản vay đầu tư trồng đào 100 triệu đồng của ngân hàng, còn để ra trên 200 triệu đồng mỗi năm”.
Tại thôn 3 cùng xã, do khó khăn về nguồn nước tưới nên 5 sào đất lúa của gia đình anh Nguyễn Văn Khoa được chuyển sang trồng đào cảnh từ năm 2017. Anh Khoa cho biết: 5 sào đất này trước đây cấy lúa năng suất chỉ đạt 1,2 tấn/năm. Với giá thu mua của thương lái, 7 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí đầu tư, 5 sào lúa chỉ cho lợi nhuận được 2 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang trồng đào cảnh, 300 gốc đào của gia đình được xuất bán từng phần với trung bình gần 100 gốc mỗi năm, gia đình anh có lợi nhuận hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Theo anh Khoa, đào không phải ai cũng trồng được, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc đặc biệt.
“Để có vườn đào đẹp, ra hoa đúng dịp tết, cây đào phải được chăm sóc rất cẩn thận, từng nhánh sao cho các “mắt đào” cách đều và có bảy đốt trên một cành là đẹp. Đào thuộc giống cây rất nhạy cảm với thời tiết vì thế đòi hỏi người trồng đào phải thận trọng và khá công phu, nắm được kỹ thuật và thời tiết để tính được lịch tuốt lá làm sao để hoa trổ đúng dịp. Chăm sóc đào là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công và phải thực sự hiểu đặc tính cây đào mới có thể có một vườn đào đẹp vào dịp cuối năm”, anh Khoa chia sẻ.
Được biết, đào xã Vân Sơn là giống đào đẹp được người chơi rất ưa chuộng. Loại cây này đã được một số hộ dân tự phát trồng trong vườn nhà từ những năm 90 của thế kỷ trước, vừa làm cảnh, vừa bán cho người dân các xã lân cận vào dịp tết. Nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng đào đem lại, từ năm 2010, chính quyền xã Vân Sơn đã vận động người dân cải tạo vườn tạp, đưa cây đào phai vào trồng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng và chăm sóc đào; thành lập các tổ liên kết trồng đào ở các thôn để các hộ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, cây đào đã tìm được chỗ đứng cũng như khẳng định được giá trị thu nhập. Nhằm phát triển sản xuất bền vững, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác, xã đã quy hoạch vùng trồng lúa kém hiệu quả, vận động Nhân dân chuyển đổi sang trồng đào cảnh. Từ năm 2017 đến nay, xã Vân Sơn đã có 110 ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây đào cảnh với 400 hộ tham gia, tập trung nhiều ở các thôn 1, 2, 3, 4.
Chủ tịch UBND xã Vân Sơn Lê Bá Thành cho biết: Sau khi chuyển đổi, giá trị thu nhập trên mỗi ha trồng đào đạt từ 500 – 600 triệu đồng/ha/năm, gấp hàng chục lần so với trồng lúa.
Bài và ảnh: Minh Lý