Qua phà Mười Đẩu, đến xã cù lao Phú Thuận B, hỏi Huỳnh Chí Trung, ai cũng biết. “Cái thằng hiền lành, tử tế lắm. Bà con ở đây nhờ nó mà bớt khổ. Ai bị bệnh tật, không tiền chữa trị, nhờ nó mà có tiền mua thuốc để chữa trị, qua cơn nguy kịch. Học sinh vì hoàn cảnh gia đình sắp bỏ học, cũng nhờ nó mà bước được vào cánh cửa cao đẳng, đại học”… Những lời giới thiệu của bà con nơi đây về Huỳnh Chí Trung khiến chúng tôi không khỏi tò mò; nhất là biệt danh “Hiệp sĩ của người nghèo” mà trước đó đã được nghe nhiều người nhắc đến.
Thỏa đam mê và cũng để giúp người
Tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật nông nghiệp (Trường Đại học Đồng Tháp), Huỳnh Chí Trung vào làm ở Trạm Bảo vệ Thực vật (phụ trách xã Phú Thuận B). Năm 2011, do yêu cầu công tác, anh được chuyển sang làm công tác đoàn của xã và là tình nguyện viên Chữ thập đỏ. Vốn đam mê viết lách, Trung tự “tầm sư học đạo” trên các trang báo. “Tôi mê viết lắm. Mà để viết hay, viết được đăng thì phải mất rất nhiều công sức, thời gian. Nhiều lần cộng tác, cuối cùng tôi cũng có một mẩu tin nhỏ đăng báo. Ôi mừng lắm! Nó như động lực để tôi cố gắng hơn, đầu tư, nghiên cứu viết ở nhiều thể loại; nhất là viết về những mảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh khó khăn ngay chính nơi mình đang sinh sống”, Chí Trung trải lòng.
Phú Thuận B là xã cù lao thuần nông, đời sống người dân còn lắm gian truân, vất vả. Lớn lên trên vùng đất nghèo này, hơn ai hết, Trung hiểu nỗi nhọc nhằn của bà con quê mình. Cuộc sống nghèo khó, bệnh tật như sợi dây vô hình trói buộc biết bao ước mơ dang dở, khiến không ít gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh, kém may mắn như thúc giục Trung phải làm điều gì đó cho bà con. Thời điểm ấy, Trung mới ngoài 20 tuổi. “Tôi chẳng có tiền bạc hay của cải, cũng không đủ uy tín để có thể vận động quyên góp giúp bà con. Tôi chợt nghĩ, nếu như những hoàn cảnh ấy được phản ánh trên báo thì sao? Có thể kêu gọi được rất nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ”, Chí Trung hồn nhiên kể.
Và bài viết đầu tay của anh đăng trên mục “Tấm lòng vàng” Báo Lao động kể về hoàn cảnh của chị Bùi Thị Đồng ở ấp Phú Trung có hai con nhỏ bị giãn não tâm thất, bác sĩ chỉ định mổ mới mong cứu được. Ngoài khóc vì thương con, còn lại chị Đồng chẳng biết làm cách gì vì gia cảnh quá nghèo. Vậy rồi, như một giấc mơ, sau khi bài viết của Trung được đăng trên Báo Lao động, rất nhiều độc giả tìm đến tòa soạn quyên góp ủng hộ. Đại diện Báo Lao động đến tận nơi trao số tiền 126 triệu đồng và nhóm thiện nguyện Hồng Tâm của thị xã Hồng Ngự ủng hộ 10 triệu đồng giúp chị Đồng chạy chữa cho con kịp thời. “Nếu không có chú Trung chắc hai đứa con tôi bây giờ không được khỏe mạnh như vậy. Ơn nghĩa này tôi xin tạc dạ suốt đời”, chị Đồng xúc động chia sẻ.
Đó cũng là bước khởi đầu tốt đẹp cho hành trình nhân ái của Huỳnh Chí Trung. Những trường hợp bệnh tật không tiền chữa trị, học sinh vì gia đình khó khăn có khả năng nghỉ học giữa chừng, người già neo đơn không nơi nương tựa, khi biết tin, Trung đều tìm đến viết bài gửi đăng báo kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Tính chân thật của bài viết cùng với tình cảm chân thành từ trái tim tác giả gửi gắm vào đó đã làm lay động bao trái tim nhân ái, tiếp sức cho nhiều mảnh đời kém bất hạnh, hoàn cảnh thương tâm vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Bà Bùi Thị Ngọc Duyên ở ấp Phú Lợi A, năm 2011 chẳng may bị tai nạn gãy xương sườn và chấn thương cột sống phải nằm một chỗ. Không tiền chữa trị, bà đành về nhà và hằng ngày phải chống chọi với những cơn đau quặn thắt. Qua bài viết của Trung đăng trên mục “Nhịp cầu nhân ái” của Báo Đồng Tháp, bà Duyên đã nhận được số tiền 70 triệu đồng từ các nhà hảo tâm và các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương để phẫu thuật. Trung còn liên kết với một số cơ sở để giúp con trai bà Duyên có việc làm ổn định do anh phải nghỉ việc tại TP Hồ Chí Minh về chăm sóc mẹ. Hiện nay, hằng tháng, bà Duyên vẫn được nhận hỗ trợ 15kg gạo từ các mạnh thường quân do Trung giới thiệu.
Huỳnh Chí Trung không nhớ nổi mình đã giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh gặp lúc thắt ngặt, túng cùng thông qua những bài viết đăng trên rất nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương. Chỉ biết rằng, mỗi người sau khi được giúp đỡ có cuộc sống khá hơn trở thành “kênh” tuyên truyền vận động hoặc trực tiếp đóng góp để san sẻ với những người còn khó khăn hơn mình.
Mỗi trường hợp được Trung vận động hỗ trợ giúp đỡ, ít thì cũng vài chục triệu đồng, nhiều thì hơn trăm triệu đồng. Lâu dần trở nên quen thuộc, Trung tạo được nhiều mối quan hệ cũng như xây dựng uy tín cho riêng mình trong công tác từ thiện. Có những trường hợp Trung điện thoại trực tiếp để kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, có khi anh gọi điện trực tiếp đến nhờ các anh chị ở các báo, đài. Như em Huỳnh Thị Kim Đào ở ấp Phú Lợi A, là học sinh giỏi đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, nhưng gia đình không đủ tiền lo ăn học; em trai của Đào lại bị bệnh nằm một chỗ, thu nhập chính của cả nhà trông chờ vào nghề vác đất mướn của cha… Thương cảm trước hoàn cảnh đó, Trung trực tiếp giới thiệu và liên hệ đến Chương trình “Thắp sáng ước mơ” của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, với số tiền ủng hộ của mạnh thường quân gần 60 triệu đồng, giúp Đào có cơ hội tiếp tục đến trường và giờ đã là sinh viên năm thứ hai.
Mong quê mình không còn người nghèo
Hôm chúng tôi hẹn gặp Trung, cũng là lúc anh đang tất bật cùng đoàn viên của xã đi phát khẩu trang và vận động người dân tuân thủ đúng theo quy định của Chính phủ và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Gạt những giọt mồ hôi trên trán, giọng Trung lạc quan: “Mấy hôm nay, ngoài việc “đánh con cô vy”, chúng tôi còn vận động quyên góp được 2,4 tấn gạo, 250 thùng mì và xà phòng tặng hơn 80 hộ nghèo và người bán vé số dạo. Lúc này, ai cũng khó khăn, mình giúp được gì thì cố gắng hết sức để bà con vượt qua đợt dịch bệnh”.
Gương mặt hiền lành, nước da đen sạm với chiếc ba lô nặng oằn trên đôi vai, bước chân của Huỳnh Chí Trung cứ thoăn thoắt trên con đường nắng chang chang dẫn vào các ấp. Ở xã này, hầu như hộ nào nghèo anh đều biết rõ. Từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng quen Trung với nụ cười thân thiện khi tiếp xúc. “Bà con ở quê mình lam lũ một nắng hai sương, vậy mà gặp khi thất mùa hay bệnh tật coi như lâm vào túng quẫn. Cái nghèo ai cũng sợ, mà sợ nhất là khi khó khăn không người giúp đỡ. Nếu mình có thể bắc được “nhịp cầu” để kết nối những tấm lòng nhân ái đến với bà con nghèo thì có vất vả mấy cũng phải làm”. Nói xong, Trung khoe, từ đầu năm đến nay đã có 6 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được anh vận động hỗ trợ, mỗi suất từ 70 triệu đồng trở lên. Huỳnh Chí Trung nở nụ cười hồn hậu: “Nếu quê mình không còn người nghèo thì tốt biết bao nhiêu!”.
Có lẽ chính từ ước mơ bình dị ấy đã giúp Trung gắn bó với công tác thiện nguyện nhiều năm nay. Trung đã kết nối được với nhiều nhóm bạn trẻ làm công tác từ thiện ở các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, TP Hồ Chí Minh… Ngoài viết bài trên báo kêu gọi những tấm lòng hảo tâm khắp mọi miền đất nước, Trung còn vận động các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại địa phương hỗ trợ tiền, quà, thẻ bảo hiểm y tế, học bổng, tập sách, cất nhà tình thương, cấp phát thuốc miễn phí… cho bà con nghèo của xã mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Người luôn đồng hành, động viên Huỳnh Chí Trung trong công tác này là bà Nguyễn Thị Diễm, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận B. Bà Diễm cho biết, ngay từ những ngày đầu vào làm ở xã, Trung đã cho thấy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, trong bất cứ nhiệm vụ nào cũng luôn phát huy hết tinh thần, trách nhiệm. Bằng những nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi, năm 2018 Trung vinh dự đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” giai đoạn 2016-2018 và đoạt Giải thưởng Kim Hồng năm 2019 do Tỉnh đoàn Đồng Tháp trao tặng. Huỳnh Chí Trung cũng là một trong 10 gương mặt thanh niên ưu tú của Đồng Tháp được tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024 tại Hà Nội. Đặc biệt, từ năm 2015, đảm nhiệm Phó bí thư Đoàn xã, Chí Trung đã có nhiều đóng góp để hoạt động thanh niên và phong trào Đoàn ở địa phương phát triển với những mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như: “Hạt gạo yêu thương”, “Trao bảo hiểm y tế hộ cận nghèo”, “Biến rác thành tiền”, “Thư viện xanh ngoài trời”, “Tủ sách Bác Hồ”, “Cột mốc biên giới Trường Sa”… Các mô hình này góp phần giáo dục, định hướng thanh niên sống có ích, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Những việc làm thiết thực của Trung đã lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia phong trào “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” ở địa phương, mà cụ thể nhất là học ở Bác tình yêu thương con người, nêu cao “tinh thần tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Bà Diễm vui mừng thông tin thêm: “Nếu năm 2016, xã Thường Thới Hậu B có đến 19% hộ nghèo, thì nay chỉ còn 3,93%. Trong thành quả chung này có sự đóng góp không nhỏ của Huỳnh Chí Trung”.
Đưa chúng tôi xem những giải thưởng báo chí mà mình đạt được, như: Giải Ba cuộc thi viết “Tự hào nông dân Việt Nam” (2015-2016), Giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Hành trình cuộc sống xanh” (2018), Giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (2018-2019), Giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Bảo hiểm xã hội-Bảo hiểm y tế” (2019)… Huỳnh Chí Trung cho biết ước mơ trở thành một nhà báo chuyên nghiệp không bao giờ tắt trong anh.
Có lẽ với Trung đó là ước mơ, còn với chúng tôi thì anh đã là một nhà báo thực thụ. Bởi chính từ những trang viết của mình, anh đã giúp biết bao cảnh đời nghèo khó bớt đi phần nào gánh nặng mưu sinh, có cơ hội vươn lên hòa nhịp cùng đời sống xã hội ngày càng phát triển. Là một người trẻ, Huỳnh Chí Trung luôn sống có ích cho xã hội, cho cộng đồng, biết san sẻ yêu thương, mang lại hạnh phúc cho mọi người, đó là điều vô cùng đáng quý biết bao!
Bài và ảnh: THẾ HIỂN