Hơn 20 năm kể từ khi xây dựng và đi vào hoạt động, chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân TPHCM và một số tỉnh lân cận.
Tại TPHCM có 3 khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn gồm: Thủ Đức; Hóc Môn; Bình Điền. Các khu chợ này đã trải qua khoảng 20 năm xây dựng và phát triển, là nguồn phân phối chủ yếu cho các khu chợ truyền thống, hộ kinh doanh, người dân thành phố… (Ảnh: Hoàng Hướng). |
Chợ đầu mối Bình Điền nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, ở phía tây nam TPHCM thuộc phường 7, quận 8. Đây được xem là chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng diện tích 65 ha, hiện khai thác giai đoạn 1 khoảng 34 ha (Ảnh: An Huy). |
Chợ gồm 7 nhà lồng và 2 nhà kho, bãi đậu xe và các công trình phụ trợ. Chợ kinh doanh những mặt hàng chủ yếu như thủy hải sản, thịt heo và rau củ. Nơi đây hiện có hơn 1.500 thương nhân kinh doanh đa dạng ngành nghề, cung cấp gần 50% sản lượng thực phẩm cho TPHCM (Ảnh: An Huy). |
Chợ có vị trí thuận lợi cho việc giao thương khi nằm trên trục đại lộ Nguyễn Văn Linh, cách quốc lộ 1 khoảng 750m và trung tâm TPHCM 15km. Một mặt chợ nằm giáp sông Bến Lức thuận lợi vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh: An Huy). |
Chợ đầu mối Bình Điền được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2006, kinh doanh các mặt hàng: Hoa tươi, rau-củ-quả, cá đồng và hải sản cao cấp, thủy sản (cá biển), thịt gia súc, thủy sản khô và các loại mắm, trái cây (Ảnh: An Huy). |
Nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố, chợ đầu mối Thủ Đức có diện tích khoảng 20 ha, là nơi tập trung các mặt hàng nông sản rau củ, trái cây từ các tỉnh đổ về phân phối cho các chợ nhỏ lẻ trong thành phố (Ảnh: Hoàng Hướng). |
Xe container liên tục ra vào bãi nhập hàng trong chợ đầu mối Thủ Đức. Tại đây, số hàng hóa được nhân công chuyển qua các xe ba gác vận chuyển vào các sạp hàng của các tiểu thương trong chợ (Ảnh: Hoàng Hướng). |
Chợ gồm các khu nhà lồng, và các công trình phụ trợ như nhà kho, khu sơ chế, khu quản lý, trạm xử lý rác thải. Từ khi đi vào hoạt động, chợ đầu mối Thủ Đức đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động (Ảnh: Hoàng Hướng). |
Với diện tích khoảng 10 ha, chợ đầu mối Hóc Môn là điểm trung chuyển, cung ứng thực phẩm, nông sản phía Tây Bắc thành phố (Ảnh: Hoàng Hướng). |
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, mỗi ngày nguồn hàng đổ về từ 2.300 – 2.500 tấn. Trong đó, rau, củ, quả từ các tỉnh về trên dưới 1.300 tấn; rau ăn lá trên dưới 250 tấn; cây trên dưới 300 tấn; phần còn lại là thịt heo. Nhìn chung số lượng nông sản nhập về ổn định (Ảnh: Hoàng Hướng). “Nếu chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Thủ Đức chủ yếu hoạt động vào ban đêm, rạng sáng thì chợ đầu Hóc Môn lại hoạt động cả ban ngày. Mỗi ngày, chợ đón khoảng 8.000 – 10.000 lượt khách. Chợ hoạt động 24/24 nên công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên được triển khai”, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn nói. |
Theo quan sát của phóng viên, bất chấp biển cấm tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán tự phát vẫn ngang nhiên diễn ra tại các tuyến đường xung quanh các khu chợ. Rác thải tràn lan, bốc mùi hôi thối gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị (Ảnh: Hoàng Hướng). |
Vừa qua, Sở Công thương có tờ trình gửi Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TPHCM về đề xuất nghiên cứu, phát triển chợ đầu mối thứ 4 tại xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) với quy mô hơn 100 ha. Dự án thực hiện theo phương thức nhà nước quy hoạch khu vực, bố trí quỹ đất và giải phóng mặt bằng, còn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và quản lý, khai thác hoạt động (Ảnh: Hoàng Hướng). |
Link bài gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/hien-trang-3-khu-cho-dau-moi-hang-chuc-ha-o-tphcm-20240325181808036.htm
Theo Dân Trí