Kể từ đó đến nay, dù đi qua không ít khó khăn, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới trên tất cả các lĩnh vực. Hà Nội đã trở thành nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.
Mỗi thành quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đạt được qua các thời kỳ chính là hình ảnh sống động của sự “đồng tâm nhất trí”, phát huy truyền thống Anh hùng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và hội nhập mạnh mẽ.
Khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước
Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho Thủ đô và đất nước, khắc ghi dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long – Hà Nội.
Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác cũng khẳng định: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung là làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã nỗ lực thực hiện lời Bác dạy, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Không chỉ vậy, Hà Nội đã cùng các quân, binh chủng và các địa phương, đặc biệt dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của T.Ư Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vào mùa Đông năm 1972. “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người” đã buộc Chính phủ Mỹ thời điểm đó phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Theo các tư liệu lịch sử, kể từ năm 1954, TP Hà Nội đã có bốn lần điều chỉnh địa giới hành chính lớn, vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008; trong đó có ba lần mở rộng địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978 và 2008; một lần thu hẹp vào năm 1991. Từ một Thủ đô quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km² với 43,7 vạn người), Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với tổng diện tích gần 3.400km2, 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã; đứng thứ 2 cả nước về quy mô dân số. Đảng bộ Hà Nội hiện là Đảng bộ lớn nhất cả nước, với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc, hơn 48 vạn đảng viên, chiếm hơn 9% tổng số đảng viên cả nước.
Với tinh thần không ngừng đổi mới tư duy và hành động, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, TP Hà Nội đã bám sát quan điểm chỉ đạo, đi đầu và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của T.Ư vào thực tiễn, trong đó có những nghị quyết đặc biệt quan trọng với Hà Nội như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020”, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng cả nước tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đặc biệt là trong 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Như nhiều ý kiến nhận định, điểm tựa để Hà Nội phát triển như hôm nay chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, sáng tạo không bao giờ lùi bước trước khó khăn. Trong từng thời kỳ, TP Hà Nội đã có những quyết định mang tính đột phá, với những bước đi vững chắc, chương trình hành động thích hợp để toát lên hình ảnh của một TP là Thủ đô.
Trong đó, một trong những sáng tạo được Đảng bộ TP Hà Nội duy trì qua nhiều nhiệm kỳ là cùng với xác định các giải pháp trọng tâm, khâu đột phá, đã xây dựng các chương trình công tác để cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP và Nghị quyết của Đảng, giúp các cấp, ngành, đặc biệt là người đứng đầu được giao phụ trách, cơ quan tham mưu trên từng lĩnh vực căn cứ vào đó để chỉ đạo, cụ thể hóa thực hiện.
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 hiện nay, với việc thực hiện 10 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, trong đó coi trọng yêu cầu phát triển bền vững; đặc biệt coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với thực hiện tốt bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tạo bước chuyển mới trong công tác xây dựng văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Cùng với đó, trong từng năm, Thành ủy Hà Nội đều chọn chủ đề công tác có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo sự đột phá trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. 4 năm nay, Hà Nội thực hiện và phát huy có hiệu quả chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đã thúc đẩy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy được lan tỏa mạnh mẽ, quyết liệt tới cơ sở, tạo động lực quan trọng để Thủ đô giành được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội
Theo đó, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm; quy mô GRDP xếp thứ 2; GRDP bình quân đầu người xếp thứ 8 cả nước. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước về công tác xây dựng nông thôn mới khi 18/18 huyện, thị xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đó cũng góp phần thúc đẩy an sinh xã hội, đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội chỉ còn 0,03%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,7%; 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, 5 quận không còn hộ cận nghèo. Trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực, cũng như định hướng phát triển bền vững, sự ra đời của những công trình giao thông lớn, quan trọng như các đường sắt trên cao, các cây cầu hiện đại, hình thành các khu đô thị, tuyến phố kiểu mẫu… đã nâng tầm vóc, diện mạo đô thị của Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp và hiện đại
Trong sự phát triển mạnh mẽ ấy, Hà Nội vẫn giữ được những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, đồng thời, phát huy giá trị của “Thành phố sáng tạo” trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Thủ đô ra thế giới. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập quốc tế. Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, TP các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới… Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế lớn diễn ra tại Thủ đô đã góp phần làm cho Hà Nội trở thành một trong những trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Hình ảnh về “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO tôn vinh ngày càng đẹp hơn trong lòng bè bạn bốn phương.
Tầm nhìn mới, tư duy mới, hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai
Từ dấu mốc 70 năm sau ngày giải phóng, cũng đặt ra những thách thức mới trên chặng đường phát triển của Thủ đô, với những mục tiêu cao hơn. Tiếp nối tinh thần đầu tàu gương mẫu, quyết tâm vươn lên, TP Hà Nội đang tiếp tục hiện thực những mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, để đến năm 2030, Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực…; và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Khát vọng và niềm tin cả nước gửi gắm vào Hà Nội
Tại cuộc làm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội (ngày 9/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh, Hà Nội phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô trong sự nghiệp đổi mới; phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành TP tiêu biểu của cả nước về các mặt. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Hà Nội phải phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn và hạnh phúc của Nhân dân; với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: (1) văn hóa và con người; (2) 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); (3) Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; (4) Kinh tế số, đô thị thông minh; (5) Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Những định hướng lớn rất quan trọng đấy chính là cơ sở để TP Hà Nội tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch công tác, để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị trong thời gian tới, thực hiện tốt nhất những mục tiêu chiến lược trong phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, TP sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội thứ XVII Đảng bộ TP đã đề ra; bảo đảm chăm lo an sinh, tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phát triển văn hóa, con người để văn hóa và con người
Hà Nội thực sự là nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững; bảo đảm mọi thành quả của công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô đều hướng đến hạnh phúc, ấm no của người dân, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Tạo những bước chuyển mình mạnh mẽ
Tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, phát huy sức sáng tạo của các cấp, ngành; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội trên các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa, xã hội… Trong đó, triển khai hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được ban hành. Triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 và phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù trong thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án lớn của Thành ủy trong đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; tăng cường kết nối vùng; phân bố các không gian phát triển kinh tế – xã hội; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các dự án giao thông lớn, hạ tầng đô thị…
Đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát huy giá trị các làng nghề mang nét đặc trưng của Thủ đô. Phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh – sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững… Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, thúc đẩy hội nhập quốc tế… Theo Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài, TP Hà Nội sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ T.Ư giao; sẵn sàng là địa phương đi đầu đưa thực hiện chuyển đổi số vào hoạt động của các cơ quan Đảng, tạo sự đồng bộ với chuyển đổi số của chính quyền TP, phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể toàn TP.
Để phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu của Đảng bộ đã được xây dựng, phát triển và giữ vững trong suốt 94 năm qua, Thành ủy Hà Nội xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện trên tinh thần không ngừng đổi mới. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận, khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp để chúng ta tự hào về những thành quả của Hà Nội – Thủ đô “văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị” trong lòng mỗi người dân và bạn bè quốc tế. Đồng thời, phát huy mạch nguồn chiến thắng, Hà Nội sẽ tiếp tục những bước chuyển mình mạnh mẽ trong một lộ trình mới, với tầm nhìn mới, vị thế mới để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế của Thủ đô – trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hien-thuc-khat-vong-phat-trien-thu-do-len-tam-cao-moi.html