Xác định “thành phố vì cả tỉnh, cả tỉnh vì thành phố”, bởi vậy, khát vọng xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 với lộ trình rất rõ ràng: “Đến năm 2025, TP Thanh Hóa nằm trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước; đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”.
TP Thanh Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: P.V
Định hình dáng vóc đô thị thông minh
Mục tiêu lớn cho chặng đường 10 năm, nhưng đó cũng là hướng đi tất yếu của sự phát triển mà TP Thanh Hóa phải vươn tới để xứng tầm với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, “trái tim” của cả tỉnh. Đồng thời, là động lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Trong những năm gần đây, TP Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội và diện mạo đô thị, với nền tảng là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, nơi hội tụ trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, khát vọng của người dân xứ Thanh. Với sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng và các ứng dụng công nghệ thông tin, bước đầu thành phố đã hình thành những yếu tố cơ bản để trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn của khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ. Trên cơ sở các quy hoạch, thành phố đã ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kiến thiết, phát triển hạ tầng kỹ thuật với nhiều dự án, công trình trọng điểm được hình thành, tạo điểm nhấn cho dáng vóc của “Thành phố bên bờ sông Mã”. Đồng thời, điểm nhấn cho dáng vóc đô thị thông minh ở thành phố còn hiện hữu từ những tuyến đường được đầu tư xây dựng, tạo nên hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, kết nối giữa nội thành và ngoại thành, giữa các khu dân cư cũ và các khu dân cư mới, kết nối TP Thanh Hóa với vùng phụ cận. Đi liền với đó, thành phố cũng đầu tư cải tạo, chỉnh trang và nâng cao hiệu quả sử dụng các vườn hoa công cộng, hồ Thành, hồ Đồng Chiệc, hồ Đông Vệ, Quảng trường Lam Sơn.
Cùng với các công trình hạ tầng đô thị, một yếu tố tạo nên thành phần cốt lõi của đô thị thông minh của TP Thanh Hóa là hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và viễn thông chất lượng cao, đồng bộ và hiện đại, với nhiều tiện ích tiên tiến nhất so với các địa phương trong tỉnh. Giai đoạn 2011-2020 và những năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố đã bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao. Cùng với hơn 273 km cáp quang viễn thông được đầu tư lắp đặt, ngầm hóa, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) và thứ 4 (4G), phủ sóng hầu hết các khu vực trên phạm vi toàn thành phố, cung cấp đầy đủ dịch vụ internet cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức pháp nhân, 99,13% hộ dân trên địa bàn thành phố đã sử dụng dịch vụ internet trong sản xuất, kinh doanh, khai thác dịch vụ và giải trí. Hệ thống internet công cộng miễn phí từng bước được triển khai tại các trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn. Toàn TP Thanh Hóa hiện có 2.971 điểm truy cập internet công cộng, trong đó có 29 trạm phát wifi miễn phí.
Đặc biệt, thành phố đã có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, nhất là xây dựng và phát triển đô thị văn minh. Theo đó, thành phố đã đầu tư 1 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến bảo đảm kết nối với các điểm cầu tại Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông cũng như các huyện, thị khác trong tỉnh; 100% UBND các xã, phường được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ giao ban, họp trực tuyến được kết nối với UBND thành phố và các ngành. Điểm nhấn là đầu năm 2020, TP Thanh Hóa phối hợp với VNPT Thanh Hóa đưa vào vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 trung tâm điều hành thành phố thông minh. Đồng thời, cũng là năm các cấp chính quyền thành phố triển khai phòng họp không giấy. Hơn 2 năm qua, triển khai phòng họp không giấy đã giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử, tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, thành phố đã sử dụng các ứng dụng phục vụ công tác điều hành, quản lý của chính quyền thành phố, bao gồm: cổng thông tin điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số điện tử… Thành phố cũng đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung trên phạm vi 34 phường, xã. Hiện nay hệ thống này cung cấp và xử lý 332 thủ tục hành chính, trong đó đang cung cấp trực tuyến 112 thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh gọn, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu của tổ chức và công dân. Ghi nhận trong năm 2022, thành phố có tới 92% thủ tục hành chính tiếp nhận và trả kết quả được số hóa xử lý trên môi trường mạng. Tại bộ phận “một cửa” của UBND thành phố đã tiếp nhận, giải quyết 5.849 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 (đạt 99,98%) và 1.988 hồ sơ trực tuyến mức độ 4 (đạt 99,95%). Đồng thời, áp dụng chữ ký số tại 12 phòng chuyên môn, 9 đơn vị sự nghiệp và 34 phường, xã; 100% các chức danh và pháp nhân trong hệ thống chính trị thực hiện ký số, sử dụng chứng thư số. Năm 2022, số văn bản được gửi đi trên phần mềm TDOffice là 107.397 văn bản, tỷ lệ ký số tổ chức và ký số lãnh đạo đạt 100%.
Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, TP Thanh Hóa cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố để xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, thành phố dành ưu tiên cho xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như an ninh trật tự, giao thông, du lịch, y tế… Bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, đến cuối năm 2022, thành phố đã triển khai lắp đặt 568 mắt camera an ninh, nâng tổng số camera an ninh trên địa bàn lên 18.000 chiếc. Tiêu biểu trong vận động xã hội hóa lắp camera an ninh phải kể đến các phường Điện Biên, Đông Thọ, Đông Vệ. Bên cạnh đó, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam; bước đầu triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh. Hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, phần mềm tiêm chủng mở rộng trên toàn thành phố. Riêng Bệnh viên Đa khoa TP Thanh Hóa đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, y tế từ xa, xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí, giúp quá trình quản lý được minh bạch hóa, giảm thủ tục hành chính, khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Phát huy nội lực cho bước chuyển mình
Với quan điểm “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, tạo động lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc…”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trước đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với những chính sách đặc thù mà Trung ương dành cho tỉnh Thanh Hóa, cùng với những cơ chế, chính sách của tỉnh ban hành cho TP Thanh Hóa sẽ mở ra cơ hội cho “Thành phố bên bờ sông Mã” phát triển, đặc biệt là trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại trong tương lai. Xây dựng thành phố thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, đòi hỏi phải có lộ trình và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là phát huy tối đa nội lực, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh sẵn sàng cho bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới, TP Thanh Hóa đã tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Xây dựng TP Thanh Hóa theo hướng đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tuân thủ theo nguyên tắc: “lấy người dân làm trung tâm và bảo đảm năng lực cơ sở hạ tầng thông tin, tính trung lập về công nghệ, an toàn, an ninh thông tin”. Đồng thời, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa và thành phố trong tương lai. Việc xây dựng đô thị thông minh phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế – xã hội, các giá trị vật chất, phi vật chất mà thành phố đang sở hữu. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ các đô thị trong nước và quốc tế, thì trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung xây dựng và phát triển đô thị thông minh trên các lĩnh vực, gồm: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và viễn thông, truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đô thị thông minh, quản lý điều hành, người dân, đời sống, giao thông – vận tải, tài nguyên và môi trường, kinh tế.
Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh, nhằm từng bước hình thành một bộ phận cư dân thông minh, tiến tới toàn dân thông minh. Đi liền với việc ban hành cơ chế chính sách và các hướng dẫn về xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững, nhằm tạo môi trường pháp lý và điều kiện hỗ trợ nguồn lực để phát triển đô thị thông minh, thành phố tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử. Đồng thời, lựa chọn một số nội dung phù hợp với điều kiện thực tế như: giao thông, môi trường, an ninh – trật tự, y tế, giáo dục, du lịch, các dịch vụ thiết yếu cho người dân để triển khai thực hiện thí điểm và đánh giá, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành, trước mắt là cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai và các cơ sở dữ liệu cần thiết khác phục vụ công tác quản lý của thành phố; 100% thông tin dữ liệu đô thị được số hóa; hình thành hệ thống dữ liệu tích hợp, chia sẻ để cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao theo hướng tự động hóa nhiều tiện ích trong toàn bộ khu vực công. Thành phố cũng quan tâm khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn gắn với triển khai mạnh mẽ các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kiến thức công nghệ cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách công nghệ thông tin.
Cũng trong lộ trình xây dựng đô thị thông minh, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng số, để từng người dân được thụ hưởng những tiện ích ấy. Phối hợp với các ngành cấp tỉnh đưa khu công nghệ thông tin tập trung tại phường Đông Hải đi vào hoạt động; duy trì vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thành phố tập trung phát triển đô thị theo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; xây dựng Đề án “Sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa” trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2023. Ngoài ra, thành phố sẽ phối hợp với các ngành chức năng cấp tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện, hoàn chỉnh thủ tục, để ngay trong giai đoạn 2021-2025, khởi công xây dựng các dự án đô thị lớn, các công trình trọng điểm trên địa bàn, như: khu đô thị tại xã Hoằng Quang và phường Long Anh; khu đô thị thuộc dự án số 4, khu đô thị mới trung tâm TP Thanh Hóa; khu đô thị dọc Đại lộ Nam Sông Mã, phường Đông Hải. Hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm: Cung văn hóa thiếu nhi, Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14-6-1972 tại đê Sông Mã, phường Nam Ngạn. Tiếp đó, khởi công xây dựng khu đô thị Bắc Sông Mã, khu đô thị khu vực Hồ Thành, khu đô thị cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố, khu đô thị Đông Nam thành phố, khu đô thị Thiệu Dương, Thiệu Khánh; cũng như xây dựng một số khu đô thị đẹp, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh. Song song với cải tạo, chỉnh trang, bổ sung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu dân cư hiện hữu đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất hiện có để triển khai phát triển hệ thống cây xanh. Đối với các dự án đầu tư, cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, xây dựng mới các tuyến đường, các dự án xây dựng khu đô thị mới, các công viên, vườn hoa, phải có thiết kế cây xanh đô thị, hướng tới xây dựng, hình thành đô thị xanh, thân thiện với môi trường.
Với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và bằng lộ trình rõ ràng, khoa học, bài bản cùng những bước đi chắc chắn, TP Thanh Hóa tự tin sẽ phát triển xứng tầm, góp phần cùng cả tỉnh hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, theo tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thêm một cơ duyên, năm 2024 tới đây, TP Thanh Hóa sẽ kỷ niệm 220 năm đô thị tỉnh lỵ và 30 năm thành lập thành phố, những tiếp nối đầy tự hào của lịch sử và thành quả của hiện tại, chắc chắc tiếp thêm niềm tin, động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu chuyển mình lớn lao.
Nhóm PV Chính trị – Xã hội