Với những lợi thế sẵn có, nhiều nông dân ở Kiến Xương đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp để hiện thực hóa khát vọng làm giàu. Họ đều có điểm chung là không cam chịu đói nghèo, cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo vươn lên khẳng định mình.
Mô hình trồng dưa chuột của ông Vũ Hoài Nhân, xã Vũ Lễ (Kiến Xương).
“Tấc vàng” cho tiền tỷ
Nhắc đến sản xuất lúa ở Kiến Xương không thể không nhắc tới ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý bởi hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại điền – một thế hệ nông dân mới trên đồng ruộng.
Ông Dân tâm sự: Có lẽ tôi là người mạnh dạn đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp sớm nhất ở vùng đất này. Từ năm 2007 tôi đã có máy làm đất, máy gặt, chuyên đi cày bừa và gặt thuê cho bà con. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 người dân bắt đầu bỏ ruộng trên chính những diện tích tôi vẫn hay đi làm thuê cho họ. Tận dụng lợi thế về máy móc, cuối năm 2017 tôi đã mượn, thuê ruộng lại của người dân với quyết tâm không bỏ phí bất cứ “tấc đất nào” với mong muốn biến nó thành “tấc vàng”. Từ 11 mẫu đến nay tôi đã có gần 30 mẫu ruộng. Cũng từ đó tôi dành hết tâm huyết vào đồng ruộng, đầu tư mua máy móc hiện đại để đáp ứng quy trình khép kín từ khâu cấy đến thu hoạch và sấy sản phẩm. Nhưng, nếu chỉ làm ở Thái Bình sản lượng thóc sẽ ít nên nhiều năm qua tôi đã đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người dân ở 3 tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam. Hiện tại, mỗi vụ tôi liên kết sản xuất 160ha lúa ở trong và ngoài tỉnh thu về hơn 950 tấn thóc, đem lại thu nhập bình quân 4 tỷ đồng/năm. Mặc dù có những năm không có lãi do vật tư đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm rẻ, thời tiết bất thuận nhưng tôi vẫn đam mê gắn bó với đồng ruộng, khát vọng làm giàu từ cây lúa. Ngoài ra với tư cách là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại điền tôi còn phát triển hội viên, tổ chức gặp gỡ giao lưu giữa các hội viên để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, cùng nhau làm giàu từ nông nghiệp.
Nhắc đến trồng rau màu ở Kiến Xương không ai không biết đến ông Vũ Hoài Nhân ở xã Vũ Lễ. Mặc dù ở tuổi 64 nhưng chưa một ngày nào ông không ra đồng với khát khao làm giàu từ cây màu.
Ông Nhân cho biết: Hàng chục năm qua, tôi duy trì trồng hơn 20 mẫu khoai tây, 3 – 5 mẫu dưa các loại, hơn 5 mẫu lúa, bí xanh và một số cây rau màu khác. Ngoài nhân lực của nhà, sự hỗ trợ từ máy móc, thời kỳ cao điểm tôi phải thuê 20 người thu hoạch khoai, chỉ tính riêng khoai tây mỗi năm tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, tôi trồng dưa chuột, dưa lê; đồng thời đầu tư 500 triệu đồng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 1.100m2 để trồng dưa lê leo trong nhà màng. Với phương pháp trồng hiện đại, dùng phân bón cao cấp không chỉ cho năng suất ước đạt 10kg/cây mà còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng, giá thành cao, đáp ứng cho những thị trường khó tính nhất.
Theo ông Nhân, nếu được mùa được giá, bình quân mỗi năm ông thu về trên nửa tỷ đồng từ sản xuất cây màu.
Dấu ấn từ những trang trại quy mô lớn
Cùng với tích tụ ruộng đất làm giàu trên những cánh đồng, nông dân ở huyện Kiến Xương còn đầu tư chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. 5 năm qua, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ xây dựng 78 mô hình tiêu biểu như: nuôi ba ba ở xã An Bình, nuôi chạch ở xã Nam Bình, nuôi gà đẻ ở xã Tây Sơn, nuôi lợn tại xã Lê Lợi…
Mô hình nuôi thỏ New Zealand của ông Vũ Xuân Thọ, thị trấn Kiến Xương.
Ông Vũ Xuân Thọ, thị trấn Kiến Xương cho biết: Sau khi nghiên cứu kỹ về các con vật nuôi, năm 2014 tôi quyết định đưa giống thỏ New Zealand về nuôi vì thời điểm đó chưa có ai nuôi, trong khi thị trường lại cần vì thịt thỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Lúc đầu tôi chỉ nuôi thử nghiệm 20 con thỏ mẹ sau khi thành công tôi tự nhân giống và đến nay duy trì thường xuyên 350 con thỏ mẹ. Trung bình mỗi năm thỏ mẹ đẻ 6 lứa, mỗi lứa từ 6 – 8 thỏ con. Vì thế lúc nào chuồng nuôi của tôi cũng duy trì khoảng 5.000 con thỏ. Mặc dù số lượng nuôi lớn với quy mô 3 chuồng nuôi trên diện tích 500m2 nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Vì thế tôi phải liên kết với các trang trại ở trong và ngoài tỉnh lấy thỏ thương phẩm về đáp ứng các đơn hàng đồng thời cũng giúp tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại. Tuy nhiên, nuôi thỏ có phần khó khăn hơn bởi thỏ có sức đề kháng kém, hay mẫn cảm với thời tiết do đó phải có phương án phòng, chống bệnh tốt. Ngoài ra, chuồng nuôi phải luôn thoáng mát, sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh nên tôi đã tận dụng nguồn phân của thỏ để nuôi giun quế và làm bể biogas tạo nguồn khí đốt. Nhiều năm nuôi thỏ nhưng chưa năm nào bị thua lỗ, chăn nuôi luôn ổn định, đầu ra thuận lợi. Với mô hình này trừ chi phí gia đình tôi thu lãi trên 500 triệu đồng/năm.
Đến với mô hình nuôi lợn lớn nhất huyện Kiến Xương, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Gia Trang, xã Bình Định chia sẻ: Phát huy lợi thế địa phương có diện tích bãi bồi ven sông cùng với sở thích làm giàu từ chăn nuôi, năm 2011 tôi đã quyết định lập nghiệp từ vùng đất bãi bồi để làm trang trại. Sau khi có hệ thống chuồng trại đạt chuẩn, tôi đã đi tìm và chọn Tập đoàn Chăn nuôi CP của Thái Lan để liên kết sản xuất. Đây là mô hình khép kín với quy trình chăn nuôi lợn sạch đó là ăn sạch, ở sạch, uống sạch, được đối tác cung cấp đầu vào, đầu ra, thức ăn, con giống và kỹ thuật. Từ đó, tôi đã yên tâm sản xuất và duy trì nuôi thường xuyên 4.000 con lợn. Xác định chăn nuôi rất vất vả và luôn có những rủi ro nhất định nhưng vì đam mê nên có những năm bão giá chỉ có 17.000 đồng/kg thịt hơi hay có thời điểm phơi chuồng cả nửa năm do bệnh dịch tả lợn châu Phi tôi vẫn đứng vững, vượt qua và đạt thắng lợi. Nếu thuận lợi, mỗi năm tôi thu về 2 – 3 tỷ đồng.
Mỗi người nông dân ở Kiến Xương có một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, cách thức làm ăn, phát triển kinh tế cũng đa dạng khác nhau nhưng họ đều có ý tưởng và thực hiện thành công giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
Ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Xương Ở Kiến Xương có nhiều nông dân mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và đã thành công từ sản xuất nông nghiệp, làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ngoài các hoạt động tổ chức hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất, duy trì các nguồn vốn vay, hàng năm Hội đã gắn việc giao chỉ tiêu phát triển các mô hình kinh tế với định hướng việc lựa chọn mô hình, các giải pháp hỗ trợ và phát triển mô hình cho các tổ chức hội, tạo sức lan tỏa cho cán bộ, hội viên trong toàn huyện. Hàng năm, các cấp hội trong huyện đã giúp đỡ trên 460 hộ gia đình nông dân vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong huyện thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bà Phạm Thị Miền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nguyên Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, ngoài việc hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ mọi mặt cho hội viên, Hội đã làm tốt hoạt động tín chấp cho hội viên vay vốn. Do đó, đến nay đã hỗ trợ cho hàng chục lượt hội viên có điều kiện cho con em theo học các trường đại học; trên 200 lượt hội viên vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 1 hội viên được tiếp cận nguồn vốn nhà ở xã hội; gần 200 lượt hội viên vay vốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; trên 100 lượt hội viên vay vốn đầu tư máy móc sản xuất, kinh doanh. Kết quả đó góp phần đưa số hộ nông dân khá, giàu tăng nhanh, hộ nghèo ngày càng giảm. |
Thu Thủy