Nỗi niềm người trong cuộc
Từ nhiều năm nay, Bình Dương là một trong những tỉnh nằm tại khu vực Đông Nam Bộ và chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Hàng loạt khu công nghiệp, xí nghiệp lớn trên khắp cả nước đổ dồn về tỉnh này, điều này thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh đổ về làm việc. Song song với câu chuyện việc làm, nhu cầu về nơi sinh sống, môi trường an cư của người dân, người lao động tại tỉnh Bình Dương là một trong những điều cấp thiết.
Mặc dù có mức thu nhập không cao nhưng những người đang cống hiến và làm việc trên địa bàn tỉnh này vẫn ấp ủ ước mơ mua được nhà ở xã hội nhà dành cho những người có thu nhập thấp, trung bình.
Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, anh Phạm Trung Dũng, ngụ Tp.Thuận An, tỉnh Bình Dương đang làm việc trong Khu Công nghiệp VSIP 1 cho hay: “Gia đình tôi đã làm việc ở đây hơn 8 năm, tích góp được 1 số vốn nên đang mong muốn tìm mua căn nhà ở xã hội để an cư. Tuy nhiên, nhiều năm nay trên địa bàn Thuận An không có dự án nhà ở xã hội mới, mua lại các dự án đã xây xong thì giá rất cao và phải trả tiền liền, tôi và gia đình đã làm các hồ sơ rồi, chỉ chờ ở Tp.Thủ Dầu Một họ nhận hồ sơ sẽ đi nộp mua, sau đó chuyển công việc lên đó cũng không sao. Miễn có được nhà ở và thay đổi môi trường sống”, anh Dũng nói.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Công Tám, ngụ phường Phú Tân, Tp.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Hiện nay trên địa bàn Tp.Thủ Dầu Một có rất nhiều dự án nhà ở xã hội đi vào hoạt động, trước đây tôi không dám mua vì nghĩ là sẽ khó khăn đủ điều… Nhưng nay thấy cả khu vực khang trang, cuộc sống an toàn sạch sẽ nên quyết định mua nhà ở xã hội để an cư. Hiện, nếu mua lại thì phải trả giá khá cao, nên tôi chờ những dự án mới, trong quá trình này thì tích luỹ vốn để sau này không phải lo khoản đóng hàng tháng”.
Dồn lực phát triển nhà ở xã hội
Với hơn 1 triệu người lao động và làm việc trên địa bàn, Bình Dương là một trong những tỉnh người dân có nhu cầu an cư lập nghiệp rất cao. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội của tỉnh này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù đã có rất nhiều dự án nhà ở xã hội giao đến tay người dân nhưng cung không đủ cầu.
Một phần lý do vì làm dự án nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Theo quy định, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất song vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất mới được miễn khoản tiền này.
Các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện… Mặt khác, việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.
Tốc lực xây dựng thêm nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu an cư
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, hiện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang thực hiện “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư khoảng 172.000 căn nhà ở xã hội, đáp ứng cho khoảng 678.300 người, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao. Để làm được việc này, Bình Dương ưu tiên dành quỹ đất để nhà đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội. Hiện nay, đã có 23 khu đất do các doanh nghiệp Nhà nước quản lý, 17 khu với 170 ha có sẵn quỹ đất của các nhà đầu tư đề xuất phát triển nhà ở xã hội.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC cho biết: “Sau 10 năm triển khai xây dựng nhà ở xã hội ở nhiều địa phương như: Tp.Thuận An, Tp.Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng…, đề án nhà ở xã hội Becamex ban đầu có quy mô 65.000 căn, đã xây dựng hoàn thành 47.500 căn, đạt 74% kế hoạch của đề án. Hiện nay, phía Becamex IDC tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo với tổng số 118.234 căn nhà ở xã hội, tạo cơ hội an cư cho người lao động. Bên cạnh hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cơ sở nội khu, các dự án nhà ở xã hội Becamex đều được kết nối với các tuyến giao thông trọng yếu trong khu vực, có tuyến xe buýt công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Thuận, hiện nay để tạo điều kiện cho người dân, công nhân, người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội Becamex tìm nhiều phương án để giảm giá thành bán ở mức phù hợp với người dân. Ngoài ra, công ty này cũng hỗ trợ thông qua việc liên kết với các ngân hàng giúp người lao động mua nhà ở xã hội tiếp cận các gói vay ưu đãi, trả chậm trong thời gian dài.
Trong cuộc họp Hội thảo góp ý Dự thảo “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung, công nhân nói riêng luôn được địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh Bình Dương trở thành điểm sáng của cả nước về giải quyết nhà ở xã hội cho công nhân, nhiều người lao động đã có chỗ ở khang trang, sạch đẹp với giá hợp lý và được sự trợ giúp của Nhà nước. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã xây dựng hơn 50.000 căn nhà ở xã hội.
Ông Thao cho hay, tỉnh sẽ thiết kế mô hình nhà ở xã hội linh hoạt với nhiều loại sản phẩm, giá bán phù hợp, dao động từ 120 – 280 triệu đồng/căn hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200 – 500 triệu đồng/căn hoặc cho thuê với giá 750.000 đồng/tháng/căn.
Phát triển hàng nghìn nhà ở xã hội
Tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua đã ban hành phát triển và xây dựng nhà ở xã hội, trong giai đoạn 1 từ năm 2011 – 2015, tỉnh Bình Dương có hơn 1,4 triệu m2 nhà ở xã hội đáp ứng chỗ ở cho hơn 100 nghìn người; trong đó có 14 dự án thuộc Ðề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư với 737 nghìn m2 đáp ứng cho hơn 40 nghìn người. Giai đoạn từ năm 2016 – 2020, tỉnh này có thêm hơn 1,3 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.