Không hẹn mà gặp, cả bốn đội vào chung kết cuộc thi Tự hào sử Việt 2024 cùng đề xuất giải pháp liên quan đến việc lan tỏa tình yêu sử Việt trên không gian mạng.
Hội thi Tự hào sử Việt 2024 chủ đề “Tự hào 50 năm TP anh hùng” đã kết thúc với giải nhất thuộc về đội 390 gồm các bạn: Hoàng Hồng Nhi (Trường ĐH Văn Hiến), Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (Quận Đoàn 3), Lâm Nguyễn Ngọc Ny (Quận Đoàn Gò Vấp) và Lê Hoàng Vũ Linh (Trường CĐ Kiến trúc – Xây dựng TP.HCM).
Các bạn lấy số 390 chính là số hiệu chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập năm xưa. Hội thi do Thành Đoàn TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức khép lại với 16 thí sinh xuất sắc nhất tranh tài chung kết.
Xúc động vào vai anh hùng trẻ tuổi thi Tự hào sử Việt
Mới mẻ và hấp dẫn ở vòng chung kết là phần thi “Người trẻ kể sử” kể lại một câu chuyện lịch sử. Tái hiện sự hy sinh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc với hoạt cảnh lồng ghép phần múa cùng dẫn chuyện, đội 390 khiến người xem rưng rưng, có lúc hội trường lặng đi khi 10 cô thanh niên xung phong ấy hy sinh. Câu chuyện như gợi nhắc về những tháng ngày lịch sử bi hùng giúp các bạn trẻ hiểu thêm sự hy sinh mất mát của cha ông.
Còn đội Dòng Chảy với phần sân khấu hóa tái hiện nhân vật anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu. Nữ anh hùng quê Đất Đỏ hiên ngang ra pháp trường khiến kẻ thù khiếp sợ. Chị ngã xuống để truyền chí khí cho bao lớp trẻ tiếp nối đứng lên trong cuộc chiến giành hòa bình, độc lập.
“Để có độc lập hôm nay, những người trẻ hãy để dòng chảy lịch sử như dòng máu chảy mãi trong tim, góp sức mình vì một Việt Nam phồn vinh, vững mạnh”, thông điệp đội muốn chia sẻ.
Trong khi đó đội viên Nguyễn Ngọc Hưng (Huyện Đoàn Nhà Bè) – thành viên đội Ngọn Đuốc – vào vai anh hùng Lê Văn Tám đã thể hiện màn hóa thân khá nhập tâm. Hưng khoe để vào vai như thật, bạn đã tìm hiểu sâu về câu chuyện người anh hùng nhỏ tuổi này.
“Em rất thích học lịch sử vì khi hiểu về những cột mốc lịch sử của dân tộc lại càng cho chúng ta thêm tự hào về bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu cho hòa bình hôm nay. Em sẽ cố gắng học tập để thành người có ích”, Hưng bày tỏ.
Chúng tôi chọn các nền tảng mạng xã hội và TikTok là nơi đầu tiên tiếp cận quảng bá các clip lịch sử đến người trẻ vì hiện số người trẻ dùng nền tảng này rất nhiều.
Chị HÀ NAM KHÁNH GIAO (Quận Đoàn 3)
Lan tỏa sử Việt trên không gian mạng
Không hẹn mà gặp, cả bốn đội vào chung kết cùng đề xuất giải pháp liên quan đến việc lan tỏa tình yêu sử Việt trên không gian mạng. Đội 390 cho biết làm diễn đàn hành trình Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM đã khảo sát trên 100 học sinh, sinh viên đều nói khi cần biết thông tin lịch sử thường tìm trên mạng.
Các thầy cô Trường CĐ Kiến trúc – Xây dựng TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ phục dựng những kiến trúc đã mai một. Nên nhóm phấn đấu thực hiện 50 công trình phục dựng mô hình 3D để mọi người trải nghiệm, hiểu hơn lịch sử hình thành, phát triển của TP mang tên Bác.
“Dự án này mong các bạn tìm hiểu, chia sẻ thông tin về Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM. Các bạn có thể thảo luận, tham quan di tích lịch sử chỉ với chiếc điện thoại mà không cần đến tận nơi. Diễn đàn cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến trái chiều và sẽ có chia sẻ từ nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử”, anh Linh nói.
Riêng đội Đường Sử Tri thực hiện dự án trang web “SWOT cùng bạn học sử”. Các bạn nói tính khả thi khá cao vì đầu tư thời gian, chi phí không quá tốn kém. Đội đã khảo sát bỏ túi học sinh Trường THPT Ngô Quyền (quận 7) và kết quả 61% gặp khó khăn trong học sử, 43% học sinh cảm thấy phương pháp giảng dạy hiện tại chưa phù hợp với bản thân. Và học sử qua biểu đồ SWOT khiến học sinh cảm thấy hứng thú hơn.
Còn đội Ngọn Đuốc giới thiệu và mong muốn lan tỏa đến cả bạn bè quốc tế về lịch sử Việt Nam với 50 clip các sự kiện hướng tới 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Các bạn muốn thực hiện trang web đăng tải các clip để đông đảo mọi người được tiếp cận với thông tin về lịch sử, cả clip song ngữ cho du khách nước ngoài.
Trong khi đội Dòng Chảy làm website Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng. Trang web ngoài các thông tin, hình ảnh, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ còn tích hợp tham quan bảo tàng 3D. Trong đó mục “Bác Hồ với thanh niên” gồm nhiều lời dặn của Bác với thế hệ trẻ. Đưa thông tin lên nền tảng TikTok chỉ một ngày đã có hơn 18.000 lượt tiếp cận.
5 giải thưởng viết hiến kế
Phần thi viết hiến kế “Lan tỏa sử Việt” đã trao năm giải thưởng gồm hai dự án: Board game “Lịch sử thần chủ” (nhóm Thần Chủ), Nghệ thuật thư pháp “Tịnh Thủy Đường” (sinh viên Lê Thị Thanh Trà).
Ngoài ra còn có ba đề tài: Phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện Bình Chánh trong giáo dục truyền thống cho học sinh địa phương” (nhóm đoàn viên Trường ĐH Sài Gòn), Hành trình “Việt Nam âm vang sử liệu – Hồn Việt trên màn hình số” xây dựng website số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ tại các địa phương vùng sâu vùng xa (nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), Bảo tồn và phát huy giá trị hẻm phố người Hoa tại quận 5, quận 6 trong phát triển du lịch cộng đồng tại TP.HCM (bạn Lê Thụy Ngọc Tuyền và nhóm đoàn viên Trường ĐH Sài Gòn).
6 thí sinh xuất sắc nhất
Hội thi khởi động từ ngày 17-10 với hai tuần diễn ra vòng thi trực tuyến “Kiến thức lịch sử” đã chọn ra 26 thí sinh đạt thành tích cao.
Sáu bạn xuất sắc nhất giành được giải thưởng chung cuộc gồm: Đinh Ánh Nguyệt (Quận Đoàn Bình Tân), Nguyễn Ngọc Vân Anh (Quận Đoàn 7), Nguyễn Ngọc Hưng (Huyện Đoàn Nhà Bè), Trần Lê Như Ý (Huyện Đoàn Nhà Bè), Võ Điệp Duy (Quận Đoàn Bình Tân) và Nguyễn Thị Hồng Thắm (Công ty TNHH Logistik Unicorp Việt Nam).
Nguồn: https://tuoitre.vn/hien-ke-lan-toa-tinh-yeu-su-viet-20241207100847865.htm