Năm 2023, nhân dịp cả hai tiểu thuyết của tôi The Mountains Sing và Dust Child xuất bản bằng tiếng Thụy Điển, tôi đã sang đất nước này để trình bày tại hội chợ sách Gothenburg, rồi tham dự Ngày văn hóa Việt Nam tại Stockholm.
Ở đó, tôi gặp Hiền Ekeroth – một phụ nữ cần mẫn lan tỏa sách và văn hóa Việt nơi đây.
Sau lần gặp gỡ tại Stockholm, từ năm ngoái đến nay Hiền Ekeroth tiếp tục miệt mài trên con đường đó.
Tôi nhận thấy nhiều khi các bạn nhỏ tìm thấy cảm hứng và phát triển tình yêu với tiếng mẹ đẻ từ việc được tìm thấy mình trong một cuốn sách viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và tự hào vì cuốn sách ấy mang bản sắc văn hóa của mình.
Hiền Ekeroth
4 tác phẩm Việt Nam ở Thụy Điển
* Chào Hiền, chúc mừng giải thưởng ngôi sao bạc Peter Pan cho bản dịch Chang hoang dã – Gấu của tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdũng mà bạn là người dịch và xuất bản. Cơ duyên nào khiến bạn chọn dịch và xuất bản quyển sách này ở Thụy Điển?
– Một tuần sau khi nhận được thông báo về giải thưởng, tôi vẫn thấy vui và bất ngờ. Peter Pan là giải thưởng do Hội đồng quốc tế về sách dành cho giới trẻ Thụy Điển (IBBY Thụy Điển) tổ chức để tôn vinh các tác phẩm được dịch sang tiếng Thụy Điển.
Trong 24 năm lịch sử của giải thưởng, chỉ có duy nhất tác phẩm Việt Nam từng được nhận giải (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, năm 2008).
Năm nay tôi hạnh phúc vì Việt Nam có sự hiện diện đáng nể: ngoài Chang hoang dã – Gấu của tác giả Trang Nguyễn & họa sĩ Jeet Zdũng được giải ngôi sao bạc, giải cao nhất thuộc về quyển sách của tác giả Thrity Umrigar do họa sĩ Khoa Lê của Việt Nam vẽ minh họa.
Ý tưởng dịch và xuất bản cuốn Chang hoang dã – Gấu bắt đầu từ một bài báo viết về tác giả Trang Nguyễn.
Tôi thấy tò mò nên mua sách về đọc rồi mê đắm câu chuyện của Chang – một cô gái nhỏ có ước mơ lớn là bảo tồn thiên nhiên và những loài động vật hoang dã.
Sau khi tìm hiểu thêm về tác giả, tôi quyết định mang cuốn sách này giới thiệu với bạn đọc Thụy Điển.
* Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2004, sau đó là thạc sĩ giáo dục quốc tế tại ĐH Stockholm, bạn đã chọn việc dịch văn học từ rất sớm, bạn cũng đã từng được Giải thưởng sách Việt Nam cho bản dịch truyện tranh Pippi Tất dài, Thằng nhóc Emil và Miền cỏ phương Nam của tác giả Astrid Lindgren vào năm 2013. Tại sao bạn chọn dịch văn học thiếu nhi mà không phải dòng văn học khác?
– Tôi bắt đầu biên dịch và phiên dịch để học và luyện tiếng Anh. Nhưng trong quá trình dịch, tôi được gặp gỡ và học hỏi rất nhiều từ những người vô cùng thú vị và những câu chuyện khơi dậy nhiều cảm xúc nên tôi tiếp tục dịch khi có thể.
Ba cuốn sách của Astrid Lindgren là do các anh chị bên Kim Đồng trực tiếp liên lạc vì không tìm người dịch phù hợp từ tiếng Thụy Điển vào năm 2012. Tôi vốn mê sách của Astrid Lindgren và vừa bắt đầu cuộc sống mới ở Thụy Điển nên nhận lời dịch sách sau nhiều năm tạm nghỉ.
* Dù có công việc ổn định tại ĐH Karolinska Institutet (Stockholm) nhưng bạn đã tự thành lập Nhà xuất bản Barnens Val từ năm 2021 để dịch và xuất bản các tác phẩm thiếu nhi của văn học Việt Nam. Đó là một con đường khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và lao lực. Bạn có thấy vậy không khi chọn việc xuất bản thay vì chỉ dịch?
– Đúng là khó khăn nhưng vui nên tôi vẫn chọn, đến nay cũng đã đi được một đoạn dài rồi. Tôi đã dịch và xuất bản được bốn tác phẩm Việt Nam: Đúng là Tết của Bùi Phương Tâm và Mai Ngô, Chang hoang dã – Gấu của Trang Nguyễn và Jeet Zdũng, Nhà là gì và Tết là gì trong bộ Bé hỏi Mẹ của Phạm Thanh Vân và Quyên Thái.
Ngoài ra, tôi dịch và xuất bản thêm hai tác phẩm các tác giả người Mỹ – Be Kind và Be Strong của Pat Zietlow Miller và Jen Hill. Hiện tôi đang dịch Chang hoang dã – Voi của Trang Nguyễn và Jeet Zdũng, dự kiến xuất bản vào tháng 1-2025.
Việc xuất bản sách ở Thụy Điển rất đơn giản. Khó khăn lớn nhất là tài chính và quảng bá để bạn đọc Thụy Điển biết đến sách của mình.
Văn hóa đọc và thói quen đọc sách cùng con ở Thụy Điển rất đáng ngưỡng mộ, nhưng người đọc ở đây trung thành với các tác giả yêu thích và nhà xuất bản quen thuộc, nên việc một nhà xuất bản nhỏ và mới như Barnens Val xuất bản và giới thiệu các tác giả từ Việt Nam là một khó khăn.
Ngoài ra, việc điều hành một nhà xuất bản không khác việc vận hành một công ty, mà tôi thì chỉ biết và thích làm sách thôi nên kinh doanh bị bỏ lửng.
Chung tay cho văn hóa Việt
* Bạn cũng thường xuyên tổ chức các buổi đọc sách miễn phí cho trẻ em bằng tiếng Việt và tiếng Thụy Điển tại các thư viện công thành phố Stockholm. Có phải bạn rất muốn tạo ra một không gian rộng lớn hơn để gìn giữ và phát huy ngôn ngữ Việt trong thế hệ trẻ gốc Việt sống ở nước ngoài không?
– Nói thật là lúc đầu tôi thuyết phục các thư viện tổ chức đọc sách tiếng Việt là vì… ghen tị. Các thư viện công ở đây đều tổ chức đọc sách cho trẻ em thường xuyên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, chỉ có tiếng Việt là không thấy, do đó tôi chủ động liên lạc với họ.
Tôi tình nguyện đi đọc sách để người Thụy Điển biết đến tiếng Việt, để các bạn gốc Việt không thấy mình đơn độc và để các gia đình gốc Việt chịu khó đưa con đi thư viện.
Mỗi khi tổ chức đọc sách, tôi thường tổ chức thêm việc vẽ, làm thủ công để các bạn nhỏ phát triển thêm khả năng sáng tạo và làm quen với nghệ thuật.
Thư viện ở đây rất đẹp, tiện ích, nhiều sách hay và hoạt động thú vị cho các lứa tuổi. Tiếc là số lượng người Việt đến mượn sách ít nên số sách tiếng Việt cũng ít. Cũng may là chỉ cần mình yêu cầu tựa sách nào thì thư viện sẽ mua. Khi nào sách về đến thư viện là họ gửi thư thông báo mình đến lấy.
* Vậy còn nhà xuất bản thì sao?
– Với tôi, chính vì tiếng Việt rất quan trọng nên tôi thành lập Nhà xuất bản Barnens Val để mang những câu chuyện Việt Nam sang Thụy Điển.
Tôi hy vọng các bạn trẻ gốc Việt sống ở nước ngoài, như con gái của tôi, được tiếp cận với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam từ nhiều hướng, nhiều phương tiện và nhiều góc độ khác nhau.
Trong quá trình dạy học và tham gia một số dự án nghiên cứu trong trường học ở Việt Nam, Thụy Điển và Hàn Quốc, tôi nhận thấy nhiều bạn nhỏ tìm thấy cảm hứng và phát triển tình yêu với tiếng mẹ đẻ từ việc tìm thấy mình trong một cuốn sách viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và tự hào vì cuốn sách đó mang bản sắc văn hóa của mình.
* Ngày văn hóa Việt Nam tại Stockholm là một sự kiện chất lượng, được sự tham gia đông đảo của cộng đồng người Việt và bạn bè Thụy Điển. Bạn nghĩ cần làm gì để những ngày như vậy tổ chức thường xuyên ở Thụy Điển và các quốc gia khác?
– Ngày văn hóa Việt Nam 2023 tổ chức tại Bảo tàng Cổ vật Viễn Đông thực sự rất vui và đáng nhớ. Bảo tàng Cổ vật Viễn Đông rất phấn khởi vì số lượng khách đến bảo tàng hôm đó đông chưa từng có.
Tôi đã rất may mắn khi kết nối được mối hợp tác kiềng ba chân giữa bảo tàng, hội người Việt và Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển để cùng tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam.
Bảo tàng hỗ trợ địa điểm, đại sứ quán dựng một không gian trưng bày giới thiệu văn hóa Việt và tổ chức tiết mục múa lân, Thương vụ Việt Nam tại Stockholm phụ trách hội chợ các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, còn Hội người Việt Stockholm vừa là ban tổ chức vừa lo khâu hậu cần.
Sự kiện này không những giúp lan tỏa tình yêu đối với Việt Nam mà còn giúp cộng đồng người Việt gắn kết với nhau hơn.
Năm 2024, tôi cùng một vài người bạn đã kết nối được với một số hiệp hội và cá nhân ở Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy để cùng nhau tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam tại cả ba nước. Dự án này đã được nhận một phần hỗ trợ tài chính của cơ quan văn hóa các nước Bắc Âu (Nordic Culture Point).
Tháng 6 tới, Ngày văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra ở Stockholm, sang năm tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch) và hy vọng năm 2026 sẽ đến Oslo (Na Uy).
Tôi mong có thêm nhiều tổ chức và cá nhân ở đây cũng như trong nước cùng chung tay để văn hóa Việt Nam được lan tỏa nhiều hơn ở khu vực Bắc Âu này. Chỉ có sự chung tay vun xới thì văn hóa mới đi xa và lan tỏa được, chứ chỉ một vài cá nhân thì rất khó làm được việc này.
Cá voi vẫy vùng
Tôi đặt tên nhà xuất bản của mình là Barnens Val, vì trong tiếng Thụy Điển, Barnen nghĩa là trẻ em, Val – từ đồng âm khác nghĩa, vừa là sự lựa chọn vừa có nghĩa là cá voi.
Ước vọng của tôi là tất cả các bạn nhỏ sẽ có cơ hội lựa chọn và phát triển tối ưu tiềm năng của bản thân để trở thành những bạn cá voi vẫy vùng giữa đại dương bao la của cuộc sống.
Việc các bạn nhỏ được sinh ra và lớn lên giữa hai nền văn hóa là một lợi thế nhưng cũng là thách thức lớn trong quá trình tìm kiếm bản thân và định hướng tương lai.