Hơn 100 tác phẩm trưng bày là kết quả tìm tòi và tình yêu với gốm của các nghệ sĩ trong các đợt sáng tác tại Mường Studio, chủ yếu là tác phẩm của họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), Bùi Văn Đạo và họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Nếu chỉ nghe qua, “Gốm Mường” có thể khiến người xem hình dung đây là sản phẩm gốm thông thường của đồng bào người Mường; thực tế “Gốm Mường” là những tác phẩm nghệ thuật. Sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu ở địa phương trong đó có đất tổ mối, “Gốm Mường” đặc sắc bởi tính độc bản với tạo hình khác lạ.
“Vượt qua khuôn mẫu của những bình lọ thông thường”, có thể nói “Gốm Mường” là những tác phẩm điêu khắc trên chất liệu gốm. Cũng đất, cũng men, cũng vuốt tay, cũng nung nhưng các tác phẩm đã dẫn dắt người xem bởi sự tưởng tượng kỳ lạ. Rõ ràng đây là những vật gì đó rất quen, như: Chiếc lọ, chiếc gùi, chiếc giày, chiếc giỏ… nhưng đồng thời vật gì đó cũng lại là con gì đó có chân: con bò, con lợn, con gà, con vịt, con voi… Một số tác phẩm mang dáng hạt mầm, nụ hoa, hay dáng người. Tính lưỡng dáng vừa đồ vật – con vật, vừa thực vật – động vật khiến hình tượng trở nên đa nghĩa và sinh động, cuốn hút.
Đứng trước tác phẩm, một mặt ta cảm giác thân thuộc, như đã nhìn thấy ở đâu đó, rất quen; một mặt ta thấy rất lạ kỳ, thú vị vì rõ ràng chưa từng nhìn thấy cụ thể thứ – vật đó ở đâu trong đời thực. Tác phẩm vừa kéo ta lại gần với đời sống giản dị chưa nhúng chất hiện đại, vừa cho ta mường tượng đến những điều kỳ thú mà người nghệ sĩ tạo ra. Gần gũi và lạ lùng.
Ở đây, người xem không chỉ nhìn gốm mà còn thấy hồn gốm. Thấy động trong tĩnh, thấy sức sống và sự duyên dáng, đủ chắc chắn mà không kém phần nên thơ. Nếu như người ta nói “Thực vật chiếm lĩnh thời gian, động vật chiếm lĩnh không gian” thì có lẽ các tác phẩm trong “Gốm Mường” khiến ta liên tưởng đến cả hai miền dù chỉ thông qua các hình tượng gốm – thiên về chiều cao hơn là bề rộng.
Xem gốm, hai yếu tố vẫn thường được để ý đó là “Nhất dáng, nhì da”. Phần dáng chính là cấu trúc, phom hình; phần da là màu men, chất đất. Có những tác phẩm được nhúng men, họa sĩ vẽ hoa văn trên bề mặt; nhưng cũng có tác phẩm gốm mộc (tức không men) mà đi qua lửa. Màu sét trắng lẫn màu đất đỏ xen lẫn vào nhau tưởng như người nghệ sĩ làm gốm không hề chủ tâm nhào nặn, chế tác gì thớ đất lấy từ thiên nhiên; mà rất tình cờ, ngẫu nhiên lưu lại vẻ đẹp vốn có của nó. Nói như họa sĩ Đinh Quân, những tác phẩm đẹp “rụng rời”, “cảm giác những năm tháng, mình sinh ra từ đất, từ bờ từ bụi, từ con đê, mảnh vườn, hay những luống cày…”.
Xem “Gốm Mường” có lẽ không còn quan trọng để ý tính công năng của từng tác phẩm, rằng vật ấy phải chứa được, đựng được một vật chất cụ thể nào, có ích lợi gì trong đời sống hàng ngày. Cái hay, cái đẹp của “Gốm Mường” là dù mang tính nghệ thuật, hợp với trưng bày hơn sử dụng, nhưng nó vẫn nối liền mạch nguồn văn hóa Việt lâu đời là sự mộc mạc, tinh tế, gần gũi mà vẫn giàu chất thơ.
Mặt khác, những tác phẩm với tạo hình độc đáo ở “Gốm Mường” cũng là một gợi ý về việc thay đổi cấu trúc – vốn là một bài toán mà điêu khắc Việt Nam đương đại đặt ra. Nói như nhà điêu khắc Đào Châu Hải: Cấu trúc vật lý trong sáng tác nghệ thuật tạo hình liên quan đến hình thể, tức là phom (form). Nguyên lý đơn giản và khoa học nhất để thay đổi cấu trúc này là tháo các tổ chức, cấu trúc cũ đi và lắp ráp nó lại thành tổ chức, cấu trúc mới; tức là tạo ra những hình thể mới đa dạng hơn, đa chiều hơn, phong phú hơn.
“Gốm Mường” bằng nhận diện, đã có tố chất để tạo nên sự đa dạng và phong phú của gốm Việt nói riêng và nghệ thuật tạo hình Việt Nam nói chung.
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường chính thức được thành lập năm 2007 (202 đường Tây Tiến, thành phố Hòa Bình) bởi họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường) với mong muốn bảo tồn, giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Mường tại Việt Nam.
Từ 8.2024, Mường Studio là nơi trưng bày, mở cửa hàng ngày để chào đón du khách quan tâm, yêu thích gốm và “Gốm Mường” tại địa chỉ 85 Nhật Chiêu, Tây Hồ, Hà Nội.
Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/hien-dien-gom-muong-o-ha-noi-1383607.ldo