Gây biến đổi khí hậu, đe dọa an ninh lương thực
Hiệu ứng nhà kính trong chăn nuôi là hiện tượng gia tăng lượng khí nhà kính, chủ yếu là khí metan (CH4) và nitrous oxide (N2O) do các hoạt động chăn nuôi gây ra. Việt Nam là một nước có số lượng đầu gia súc gia cầm lớn trong khi đó phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng tỷ lệ còn cao (trên 50%) nên lượng chất thải hàng ngày trên đàn vật nuôi thải ra môi trường là rất lớn. Với tổng đàn trâu khoảng 2,2 triệu con, đàn bò 6,23 triệu, đàn lợn 26,5 triệu, đàn gia cầm 558,9 triệu con. Như vậy, tổng đàn gia súc, gia cầm hàng ngày thải ra môi trường hàng triệu tấn chất thải, chưa kể lượng khí thải và các sản phẩm khác, đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh lượng khí độc tăng lên gấp nhiều lần.
Nguồn phát thải khí nhà kính chính trong chăn nuôi là quá trình tiêu hóa của gia súc. Khi gia súc nhai lại thức ăn, vi sinh vật trong dạ cỏ của chúng tạo ra khí metan. Phân bón và quản lý đất, việc sử dụng phân bón hóa học và quản lý đất không hợp lý dẫn đến phát thải khí nitrous oxide. Lãng phí thức ăn, thức ăn gia súc không được tiêu thụ sẽ bị phân hủy, tạo ra khí metan và nitrous oxide. Xử lý chất thải chăn nuôi, bao gồm các loại chất thải rắn, lỏng, khi từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến không hợp lý cũng góp phần gây phát thải khí nhà kính.
Tác động của hiệu ứng nhà kính trong chăn nuôi là không hề nhỏ. Đầu tiên là làm gia tăng nhiệt độ trái đất, dẫn đến biến đổi khí hậu, làm thiếu hụt nguồn nước. Những năm qua minh chứng rõ ràng là từ tác động của biến đổi khí hậu, nhiều vùng đã bị hạn hạn, các sông, suối, ao hồ ngày càng bị cạn kiệt. Nhiều vùng người dân thiếu cả nước sinh hoạt đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chăn nuôi, gia súc gia cầm thiếu nước sử dụng trong thức ăn nước uống hàng ngày, thiếu nước để vệ sinh chuồng trại, tắm rửa cho gia súc trực tiếp ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của con vật.
Tiếp đến là làm phát sinh dịch bệnh trên người và động vật; làm giảm chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, làm suy giảm chất lượng đất và mất đa dạng sinh học. Phát thải khí nhà kính làm tăng lượng axit trong mưa, ảnh hưởng đến độ pH của đất, làm giảm khả năng sinh trưởng của cây trồng, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó việc tiêu hủy gia súc gia cầm xuống lòng đất cùng với một lượng hóa chất, vôi bột không nhỏ xuống lòng đất cũng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước trong lòng đất từ đó trực tiếp đến môi trường sống của người và động vật.
Biến đổi khí hậu còn làm thay đổi môi trường sống của các loài động thực vật, dẫn đến mất đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và chuỗi thức ăn trong chăn nuôi giảm năng suất, hiệu quả chăn nuôi.
Đặc biệt, phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi còn làm tăng phí sản xuất, mất an ninh lương thực. Thực tế trong chăn nuôi những năm qua do tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan làm tăng chi phí sản xuất chăn nuôi do phải đầu tư cho các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả. Tác động thị trường thế giới về sản xuất thức ăn bị ngừng trệ, làm tăng giá thành sản xuất đồng nghĩa với tăng chi phi đầu vào của ngành chăn nuôi.
Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn, thân thiện môi trường
Tác hại của phát thải nhà kính trong chăn nuôi là không hề nhỏ. Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tồng ô zôn, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung quy định cơ sở chăn nuôi có quy mô hàng năm từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Theo đó, để giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính trong chăn nuôi, giải pháp căn cơ đặt lên hàng đầu đó là phải phát triển chăn nuôi bền vững. Áp dụng các biện pháp chăn nuôi thân thiện với môi trường như giảm sử dụng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật đã qua chế biến, sử dụng thức ăn thô xanh, quản lý chất thải hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo. Trước mắt các địa phương thực hiện tốt việc quy hoạch chăn nuôi theo vùng, chăn nuôi có trọng điểm giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ.
Song song với đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi. Việc cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi đẻ giảm thải chất lượng phân nước thải ra ngoài môi trương, đây là giải pháp quan trọng vừa hạn chế khí thải vừa cải thiện đặc điểm sinh trưởng và phát triển cho con vật. Trong quá trình nuôi dưỡng cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết, hạn chế thức ăn dư thừa, giảm thiểu khí thải mê-tan từ hệ tiêu hóa của vật nuôi ra ngoài môi trường.
Mặt khác, nguyên nhân chính của phát thải nhà kính chính là do chất thải chăn nuôi quản lý không chặt chẽ, đồng bộ giữa các địa phương vì vậy việc xử lý chất thải chăn nuôi là rất cần thiết, phải làm liên tục đồng bộ. Bằng các phương pháp kỹ thuật như ủ phân, làm hầm biogas, sử dụng phân bón cho cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, trồng nhiều cây xanh để hấp thụ khí CO2, đồng thời làm mát khu vực chăn nuôi, cải thiện chất lượng không khí. Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng chuồng trại.
Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Phát triển các giống vật nuôi có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và xử lý chất thải. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hiem-hoa-tu-hieu-ung-nha-kinh-trong-chan-nuoi.html