Nhiều người bệnh đặt niềm tin vào lời tư vấn của bác sĩ trên mạng, tự ý mua thuốc chữa bệnh theo đơn của người khác hay đơn thuốc mình từng sử dụng. Tình trạng này gây ra những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe của người dùng thuốc và cộng đồng.
Rước thêm bệnh vào thân
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận điều trị người bệnh P.N.P. (45 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) bị viêm mũi do sử dụng thuốc không phù hợp. Trước đây, người bệnh P. thường xuyên bị nghẹt mũi và tự mua thuốc nhỏ mũi tại hiệu thuốc về sử dụng, nhưng do dùng lâu dài mà không chú ý đến liều lượng thuốc khiến các tổ chức niêm mạc bị phù nề và thoái hóa, làm bít tắc hốc mũi. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật để cắt khối niêm mạc thừa trong mũi, tái thông khí vùng hốc mũi. TS-BS Lý Xuân Quang, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, do đặc thù của tai mũi họng, ngoài các loại thuốc uống hay tiêm, các loại thuốc có tác dụng tại chỗ như thuốc xịt, xông, bôi… cũng được dùng phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong điều trị nói chung đều tuân thủ theo nguyên tắc: đúng thuốc, đúng đường sử dụng, đúng liều lượng và đúng thời gian.
Trước đó, Bệnh viện Từ Dũ cũng tiếp nhận và mổ cấp cứu người bệnh N.T.T.M. (20 tuổi, ngụ tỉnh Nam Định) bị tai biến sau khi tự phá thai tại nhà theo hướng dẫn của “bác sĩ Google”. Chị M. cho biết đã có 2 con và đều sinh mổ. Do không có điều kiện để đến bệnh viện giải quyết thai nên chị M. lên mạng tìm kiếm thông tin về việc phá thai tại nhà. Sau khi tự phá thai 2 tuần, thấy sức khỏe chuyển biến xấu, chị M. quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu và được chẩn đoán ban đầu theo dõi nhiễm trùng huyết, áp xe vùng chậu, thiếu máu nặng nghi ngờ nứt vết mổ cơ tử cung sau phá thai to ngoại viện. Chị M. được truyền 2 đơn vị máu, truyền dịch, truyền kháng sinh và chuyển viện đến Bệnh viện Từ Dũ.
Tương tự, thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến sau lột da bằng hóa chất tại nhà. Nhiều người khi bôi hóa chất trên da mặt đã xuất hiện tình trạng da đỏ, sưng nề, mụn nước, bóng nước, bỏng da…, phải điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và những phương pháp thẩm mỹ phục hồi làn da.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
ThS-BS Nguyễn Hữu Tín, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân 115, cho hay, trong một số tình huống, việc tự ý dùng thuốc có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm tính mạng. Nhiều trường hợp người bệnh sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian dài, bệnh tái phát với các triệu chứng khá giống như trước nên tự ý dùng đơn thuốc cũ; một số người tìm cách mua thuốc theo đơn của người quen để tự sử dụng. Báo động hơn nữa là vấn đề tự ý dùng thuốc qua thông tin trên mạng khi gặp các vấn đề về sức khỏe. “Nhiều người tìm kiếm thông tin trên mạng, thấy trường hợp nào giống như các triệu chứng của mình là mua thuốc theo như đơn trên mạng về sử dụng mà không cần đến bác sĩ. Đã có không ít trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc, sau đó phải nhập viện, nhẹ thì bị kích ứng da, nổi mẩn da, nặng thì sốt, hôn mê…”, ThS-BS Nguyễn Hữu Tín chia sẻ.
Theo TS-BS Lý Xuân Quang, mỗi cơ thể đều khác nhau, không ai giống ai, cho dù là những người cùng trong một gia đình. Thuốc có thể hợp ở người này nhưng có thể nguy hiểm với người khác. Người bệnh cần sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ, dược sĩ. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Các bác sĩ đều phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ của thuốc khi kê toa. Đối với người bệnh là trẻ em thì càng cần phải đặc biệt lưu ý về liều lượng sử dụng thuốc, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Để tránh nguy cơ dị ứng thuốc, người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị.
Lên mạng học cách chữa ung thư
Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM, hiện trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin về bệnh ung thư. Bên cạnh các kiến thức hữu ích cho người bệnh từ cơ sở y tế, cũng có thông tin truyền miệng về các phương pháp điều trị không chính thống. Các phương pháp dân gian, truyền miệng như uống lá đu đủ, thuốc gia truyền… hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có ích cho người bệnh; nhiều người mắc bệnh ung thư không điều trị ngay, nghe theo lời hướng dẫn trên mạng dùng lá này thuốc kia nên không hiệu quả. Đến khi quay lại bệnh viện, bệnh đã ở giai đoạn quá muộn, khó kiểm soát.
THÀNH AN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hiem-hoa-khi-tu-y-dung-thuoc-post761094.html