Ảnh hưởng chính trị to lớn
Với bản chất vừa là một nhóm vũ trang vừa là một tổ chức chính trị, liên minh với nhiều đảng phái và có chương trình phúc lợi rộng lớn, Hezbollah đã xây dựng được vị thế rất lớn trong hệ thống chính trị đầy chia rẽ của Lebanon.
Tên Hezbollah trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Đảng của Chúa”. Lực lượng này được thành lập, với sự giúp đỡ của Iran, để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền nam Lebanon bắt đầu vào năm 1982.
Họ đã phát triển thành một trong những phe phái hùng mạnh nhất ở Lebanon hiện đại, một tổ chức kết hợp tầm ảnh hưởng chính trị trong nước và quốc tế, sức hút xã hội và năng lực quân sự đáng gờm.
Và khi cuộc nội chiến ở Lebanon sắp kết thúc vào năm 1990, Hezbollah được phép giữ lại vũ khí như một phần của thỏa thuận hòa bình, trong khi các giáo phái tôn giáo khác của Lebanon buộc phải giải giáp.
Hezbollah lập luận rằng vũ khí của họ là cần thiết để bảo vệ Lebanon và tiếp tục phát động các cuộc tấn công du kích vào lực lượng Israel ở miền nam Lebanon cho đến khi Israel chính thức rút khỏi Lebanon vào năm 2000.
Vị thế của Hezbollah tăng lên sau cuộc chiến năm 2006 với Israel, nổ ra khi Hezbollah bắt giữ hai người lính Israel trong một cuộc đột kích xuyên biên giới. Cuộc chiến kết thúc sau 34 ngày giao tranh dữ dội và cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng. Ở Lebanon và khắp thế giới Ả Rập, Hezbollah được ca ngợi là lực lượng anh hùng vì đã chống lại Israel.
Với sự hỗ trợ từ Iran và Syria, Hezbollah đã xây dựng lại những khu vực bị tàn phá trong chiến tranh. Họ thành lập trường học, thiết lập mạng lưới truyền thông của riêng mình và mở một đài truyền hình. Những cựu chiến binh thậm chí còn mở một bảo tàng tôn vinh danh tiếng của Hezbollah như một lực lượng kháng cự gan góc chống lại quân đội hùng mạnh của Israel.
Ngoài các hoạt động quân sự, Hezbollah còn tăng cường tham gia vào hệ thống chính trị của Lebanon, giành được ghế trong Quốc hội nước này và giữ các vị trí trong nội các.
Mối quan hệ chặt chẽ với mạng lưới các đảng phái chính trị cùng chí hướng, mặc dù không chính thức, đã giúp Hezbollah có được vai trò quyết định trong Quốc hội Lebanon và tiến trình phát triển của chính quyền quốc gia Trung Đông này.
Hezbollah hiện nắm giữ 13 ghế trong Quốc hội gồm 128 thành viên của Lebanon. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng trong hệ thống chính trị bị chia rẽ, phân mảnh quá nhiều đòi hỏi phải xây dựng liên minh giữa các phe phái tôn giáo và chính trị tại Lebanon, số lượng như vậy vẫn đủ để Hezbollah nắm giữ quyền lực đáng kể.
Paul Salem, Phó chủ tịch phụ trách hợp tác quốc tế tại Viện Trung Đông ở Washington, cho biết: “Hezbollah không kiểm soát được quốc hội Lebanon, nhưng họ có rất nhiều ảnh hưởng”.
Dù liên minh của Hezbollah đã mất đa số trong cuộc tổng tuyển cử hai năm trước, nhưng họ vẫn duy trì được quyền lực để ngăn chặn nhiều quyết định quan trọng thông qua việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch Quốc hội.
Hậu quả là bế tắc: Quốc hội Lebanon không thể chỉ định tổng thống trong hai năm qua và đất nước này do một thủ tướng lâm thời điều hành với quyền hạn hạn chế.
Cơ cấu nội bộ của Hezbollah như thế nào?
Cấu trúc nội bộ của Hezbollah có tính tập trung cao độ và phân cấp, với sự lãnh đạo chủ yếu được chỉ đạo bởi Hội đồng Shura.
Đứng đầu Hội đồng Shura là Tổng thư ký, vốn được Hassan Nasrallah quá cố đảm nhiệm hơn 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, kể từ khi thủ lĩnh 64 tuổi này thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel ở ngoại ô Beirut hôm 27/9, chưa có người kế nhiệm nào được chỉ định chính thức.
Nhận chỉ đạo và báo cáo trực tiếp với Hội đồng Shura là năm cơ quan riêng biệt: Hội đồng Chính trị, Hội đồng Nghị viện, Hội đồng Hành pháp, Hội đồng Tư pháp và Hội đồng Thánh chiến.
Chức năng của Hội đồng Chính trị và Nghị viện phần lớn được thể hiện rõ qua tên gọi của chúng, trong đó Hội đồng Chính trị chịu trách nhiệm duy trì các chiến lược và liên minh chính trị của Hezbollah, trong khi Hội đồng Nghị viện chỉ đạo các hoạt động nghị viện của tổ chức.
Hội đồng Hành pháp chịu trách nhiệm về các dịch vụ xã hội và tài chính của tổ chức, cũng như duy trì liên minh quan trọng với Iran.
Cuối cùng, Hội đồng Tư pháp sẽ phán quyết về các tranh chấp nội bộ, đồng thời đảm bảo nhóm duy trì các nguyên tắc tôn giáo của mình trong khi Hội đồng Thánh chiến giám sát các hoạt động quân sự của Hezbollah.
Hezbollah có gì trong kho vũ khí?
Trước các cuộc tấn công hiện tại của Israel, Hezbollah được coi là một trong những nhóm vũ trang phi nhà nước đáng gờm nhất thế giới với ước tính 130.000 tên lửa và rocket các loại trong kho vũ khí của mình.
Trong số những khí tài đó, đáng chú ý nhất là một số lượng lớn tên lửa dẫn đường chính xác và máy bay không người lái (UAV), có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Israel. Đáng gờm nhất là hai loại tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất Scud, với tầm bắn từ 300 đến 500 km tùy theo phiên bản B, C hay D) và Fateh-110 (tầm bắn 300 km).
Những UAV tấn công của Hezbollah, chẳng hạn như Karrar và Shahed-129, thậm chí có tầm hoạt động từ 1000 đến 3000 km. Tất cả giúp lực lượng này tạo ra sự đe dọa rất lớn đối với Israel.
Ngoài khả năng vươn tới mọi thành phố của Israel bằng tên lửa và UAV, Hezbollah cũng rất mạnh trên mặt đất nhờ số lượng tên lửa chống tăng hùng hậu.
Theo các chỉ huy xe tăng Israel ở mặt trận trong Chiến tranh Israel-Hezbollah năm 2006, tên lửa chống tăng của lực lượng dân quân này đã bắn trúng gần 50 xe tăng Merkava của Israel, xuyên thủng lớp giáp của 21 xe.
Ngoài hoạt động kháng cự vũ trang liên tục với Israel, nhiều chiến binh trong số khoảng 20.000 đến 50.000 người của Hezbollah đã có thêm kinh nghiệm chiến đấu ở Syria, khi lực lượng này chính thức triển khai để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad từ năm 2012 trở đi. Tại Syria, Hezbollah đã tích lũy được những kinh nghiệm đáng kể trong tác chiến quy mô lớn và hiệp đồng binh chủng của quân đội chính quy.
Sức mạnh của Hezbollah cũng đến từ sự hỗ trợ tài chính và quân sự đáng kể từ đồng minh Iran. Iran không chỉ đóng vai trò hình thành nên lực lượng này vào năm 1982 mà còn tiếp tục hành động phối hợp với Hezbollah trong nhiều thập kỷ kể từ đó.
Quang Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/hezbollah-hoat-dong-nhu-the-nao-va-dong-vai-tro-gi-o-lebanon-post315095.html