Nhiều bệnh viện cả nước hết vaccine viêm gan B tiêm miễn phí cho trẻ sơ sinh, phụ huynh phải bế con đi tiêm dịch vụ.
Vaccine phòng viêm gan B nằm trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, tiêm cho trẻ trong ngày đầu tiên chào đời tại bệnh viện. Các trung tâm tiêm chủng, cơ sở y tế cũng tổ chức dịch vụ tiêm vaccine này, nhưng có thu phí.
Trên thực tế, hầu hết trẻ được tiêm miễn phí mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh, sau đó theo liệu trình, ở các tháng tuổi 2, 3, 4, 16-18 tháng, trẻ cần tiêm thêm các loại vaccine phối hợp có thành phần phòng viêm gan B để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Vaccine viêm gan B tiêm miễn phí là vaccine tái tổ hợp Gene-HBvax, sản xuất bởi Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 Vabiotech thuộc Bộ Y tế. Ngày 28/9, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết loại này đã hết từ đầu tháng 9, đang chờ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cung ứng. Đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh thành, do chỉ có một nguồn cung từ Viện.
Theo một chuyên gia về vaccine (không muốn nêu tên), do vướng mắc trong đấu thầu mua sắm, không thể đặt hàng, cung ứng, hiện không còn vaccine viêm gan B để phân phối cho các tỉnh thành. Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đang gấp rút gỡ vướng, dự kiến đến tháng 11 có thể cung ứng trở lại.
“Tuy nhiên, mẹ mắc viêm gan B mà con sinh ra không được tiêm sớm, nguy cơ con nhiễm bệnh rất cao”, chuyên gia này nói. Không có vaccine tiêm ngay trong 24 giờ sau sinh, trẻ sẽ phải chờ đủ hai tháng tuổi để tiêm loại vaccine phối hợp trong đó có viêm gan B. Điều này khiến nhiều gia đình lo lắng. Không ít người bế trẻ đến điểm tiêm dịch vụ để chủng ngừa viêm gan B, sau đó lại đưa về bệnh viện sản nằm với mẹ.
Đơn cử, bà Hoài, 58 tuổi, ngày 27/9 bế cháu ngoại mới một ngày tuổi đến Trung tâm Tiêm chủng VNVC Sơn Tây (Hà Nội) tiêm vaccine. Bà cho biết cháu chào đời ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, hết vaccine viêm gan B, nhân viên y tế khuyên người nhà đưa bé đi tiêm chủng dịch vụ. “Tôi lo cháu tiêm trễ sẽ không có miễn dịch bảo vệ nên sau khi cháu được cắt rốn, khám sức khỏe ổn định là tôi đưa đi tiêm ngay”, bà nói. Cháu tiêm xong, bà lại bế về bệnh viện sản để mẹ cho bú.
Hệ thống tiêm chủng VNVC ở nhiều địa phương ghi nhận số trẻ sơ sinh, thai phụ đến tiêm vaccine viêm gan B dịch vụ tăng 50% những ngày qua, “do các nơi khác đang khan hiếm”.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết “24 giờ sau sinh là thời gian vàng tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B và ung thư gan”, thêm rằng đây là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế.
Việt Nam thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20% dân số). Tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai là 10-16%, ở trẻ em 2-6%. Khoảng 30% người mắc viêm gan B mạn tính sẽ tiến triển thành xơ gan, 5-10% tiến triển thành ung thư gan. Hơn 60% người ung thư gan tiền sử mắc viêm gan B.
Theo bác sĩ Chính, mũi tiêm trong 24 giờ sau sinh có khả năng phòng được 85-90% nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con, đồng thời bảo vệ trẻ trước các đường lây truyền viêm gan B khác. Nếu tiêm muộn, khả năng phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ giảm. Cụ thể, tiêm vào thời điểm 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%.
Nếu mẹ mắc viêm gan B, ngoài tiêm vaccine phòng bệnh, trẻ còn cần được tiêm thêm huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12 giờ đầu sau sinh ra để trung hòa kháng nguyên lây truyền từ mẹ qua.
Nhiễm viêm gan B cấp tính, trẻ sơ sinh thường có triệu chứng không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn như nước tiểu vàng, vàng da, bú kém… ảnh hưởng chức năng gan. Hơn 90% trẻ nhiễm viêm gan B ở tuổi sơ sinh sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính ở tuổi thiếu nhi hoặc khi trưởng thành. Triệu chứng là vàng da, chậm chạp, kém đáp ứng, chậm tăng cân, chướng bụng…
Bác sĩ khuyên bà bầu tiêm ngừa viêm gan B trong và trước thai kỳ để bảo vệ con. Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm 3 mũi trong 6 tháng và hoàn thành phác đồ tiêm tốt cách ít nhất một tháng trước khi có thai. Nếu có thai khi chưa tiêm đủ 3 mũi, thai phụ có thể tiếp tục tiêm trong thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Tại một số nước phát triển, tỷ lệ lưu hành viêm gan ở mức thấp, đường lây truyền từ mẹ sang con không phải là chủ yếu, song cũng tiêm vaccine viêm gan B từ rất sớm, thậm chí trong vòng 12 giờ đầu sau sinh.
Từ năm ngoái đến nay, nhiều loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn cung ứng, có khi kéo dài nhiều tháng như vaccine sởi, DPT (kết hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván), DPT-VGB-HiB (vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib)…
Nguyên nhân do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm, trong đó liên quan đến giá. Tình trạng thiếu trầm trọng hơn khi theo quy định mới, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua, đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách, tức địa phương sẽ tự mua sắm phục vụ nhu cầu của tỉnh thành. Chưa tìm được nguồn cung, lo giá mua chênh lệch, nhiều tỉnh thành đề xuất Bộ Y tế nên tiếp tục đứng ra mua sắm, tiền mua sẽ do địa phương chi trả, song không được chấp thuận.
Tiêm chủng Mở rộng là chương trình tiêm chủng quốc gia, miễn phí, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib.
Lê Nga – Lê Phương