Chỉ có thể chọn công nghệ cao
Tại lễ công bố quy hoạch TP Đà Nẵng ngày 25.11, ông Trịnh Thanh Lâm – Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á đã có những chia sẻ, góp ý cùng thành phố về sự phát triển trong tương lai.
Ông Lâm nhận định, nếu lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ thông thường thì Đà Nẵng hiện nay không còn quỹ đất. Tổng thu nhập của người dân thành phố khoảng 5 tỉ USD, thu ngân sách của Đà Nẵng năm 2022 dưới 1 tỉ đô. Năm 2023 và những năm tiếp theo, nguồn thu ngân sách này sẽ còn thấp hơn khi Trung ương và thành phố có những chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, một công ty công nghiệp bán dẫn có 8.000 người nhưng mỗi năm làm ra 6 tỉ USD, cao hơn tổng thu nhập của người dân Đà Nẵng. Một công ty khác, văn phòng của họ trông rất bình thường, không cần nhiều quỹ đất nhưng họ có 8.500 kỹ sư, mỗi năm doanh thu là 3,6 tỉ USD. Và những doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu này đã có mặt tại Việt Nam cũng như tại Đà Nẵng.
Ông Lâm khẳng định: “Công nghiệp bán dẫn là công nghệ cao và Đà Nẵng trong bối cảnh sắp hết nguồn quỹ đất mà muốn phát triển thì buộc phải lựa chọn phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn”.
Về nguồn nhân lực, ông Lâm cho rằng, kỹ sư Việt Nam hiện nay đã và đang làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn, tại các công ty hàng đầu trong và ngoài nước. Về công nghệ, chính kỹ sư tại Synopsys tại Đà Nẵng hiện đã làm chủ được công nghệ làm chip bán dẫn nên đây không phải là vấn đề.
“Lãnh đạo Đà Nẵng có tầm nhìn, các trường đại học đang giảng dạy các chương trình không khác gì với thế giới, có giáo trình đã giảng dạy bằng tiếng Anh. Mục tiêu của thành phố là đến năm 2023, thành phố có 10.000 nhân lực công nghiệp bán dẫn thì tôi đề nghị, Đà Nẵng đi theo hướng đầu ra cần bao nhiêu thì đào tạo bấy nhiêu và điều chỉnh theo nhu cầu, điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn cần thêm xây dựng trung tâm ươm tạo tầm thế giới. Ngoài ra, thành phố cần đầu tư hạ tầng phần mềm cho các trường đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể chia sẻ với ưu đãi cao nhất; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong thiết kế chip, đảm bảo tạo ra các sản phẩm cạnh tranh được ở các thị trường quốc tế…”.
Doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố xây dựng silicon Đà Nẵng
Cùng phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đánh giá cao quy hoạch của Đà Nẵng được phê duyệt giữa lúc Việt Nam đang có cơ hội rất lớn tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đà Nẵng hiện có số trường đại học trên tỉ lệ dân số cao hơn các địa phương khác, sinh viên chiếm 10% dân số, các doanh nghiệp lớn về công nghệ đã có mặt Đà Nẵng. Họ là những doanh nghiệp đang dẫn dắt ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.
“Hai năm trước, Việt Nam là số 0 với thế giới về công nghệ thông tin. Nhưng nay chúng ta có 1 triệu kỹ sư công nghệ, nửa triệu kỹ sư làm phần mềm, là quốc gia xuất khẩu phần mềm đứng số 2 sau Ấn Độ. Vậy bây giờ phải tính toán chúng ta cần bao nhiêu nhân lực công nghiệp bán dẫn.
FPT đang đào tạo 17.500 học sinh, sinh viên và đã ký kết và sẽ triển khai đào tạo quy mô lớn về nguồn nhân lực công nghệ. Chúng tôi sẽ đi gặp gỡ doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn để bàn về kế hoạch nhân lực tương lai. Chúng tôi không chỉ cung ứng nhân lực cho họ ở Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác. Chúng tôi cam kết làm hết sức mình, đồng hành cùng thành phố trong bức tranh tương lai trở thành silincon Đà Nẵng” – ông Bình chia sẻ.