Sáng 28/6, tại Hà Nội, Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, triển khai thực hiện Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở. Hội nghị diễn ra với hơn 6.000 điểm cầu, hơn 27.000 đại biểu tham dự.
Vai trò riêng có của thông tin cơ sở
Thông tin cơ sở là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, cung cấp thông tin thiết yếu, sát với nhu cầu của người dân ở từng thôn, bản, tổ dân phố, các xã, phường, thị trấn; là phương tiện thông tin phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo phải đổi mới về thể chế, chính sách để thông tin cơ sở có thể phát triển theo xu hướng hiện đại, khẳng định được vị trí, vai trò riêng có của thông tin cơ sở trong hệ thống truyền thông của đất nước.
Nghị định số 49/2024 ra đời đã mở ra không gian phát triển mới của hoạt động thông tin cơ sở, từ các loại hình thông tin truyền thống sang sử dụng các loại hình thông tin hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng. Đây là lần đầu tiên thông tin cơ sở có một văn bản quy phạm pháp luật ở tầm nghị định, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động thuộc lĩnh vực.
Đặc biệt, Nghị định số 49/2024/NĐ-CP đã chuyển đổi hoạt động thông tin cơ sở từ thông tin một chiều là chính sang tương tác với người dân, tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, sự tồn tại và phát triển của hệ thống thông tin cơ sở là một nét đặc sắc riêng có của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Vai trò của hệ thống thông tin cơ sở trong việc tiếp cận với người dân sẽ ngày càng quan trọng.
Thứ trưởng mong muốn hệ thống thông tin cơ sở phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhiều hơn nữa, tiếp nhận phản ánh của người dân và gửi thông tin lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết, sau đó chuyển trả kết quả, đảm bảo tính tương tác hai chiều giữa người dân và chính quyền.
Chuyển đổi số cách làm thông tin cơ sở
Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của báo chí, truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, thông tin cơ sở đang từng bước thay đổi, ứng dụng công nghệ trong đổi mới phương thức hoạt động.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở Nguyễn Văn Tạo cho biết, lĩnh vực thông tin cơ sở đang tích cực chuyển đổi số, đặc biệt với hệ thống truyền thanh cấp xã.
Theo ông Nguyễn Văn Tạo, hiện 95% xã, phường trên cả nước đã có đài truyền thanh, trong đó 22% các đài ứng dụng CNTT Viễn thông. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, trong đó tối thiểu 70% đài truyền thanh ứng dụng CNTT Viễn thông.
“Mỗi địa phương lại có một cách làm hiệu quả riêng. Điển hình như tỉnh Bình Phước, do được đầu tư nên chỉ trong một thời gian ngắn, 100% xã, phường đã có đài truyền thanh ứng dụng CNTT Viễn thông, có hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để quản lý. Đây là tỉnh duy nhất vừa có hệ thống thông tin nguồn, vừa kết nối 100% tới các xã, phường, thị trấn”, Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo nói.
Hiện 19 tỉnh đã có hệ thống thông tin nguồn, 17 tỉnh đang triển khai. Cục Thông tin cơ sở đề nghị đẩy nhanh việc kết nối các tỉnh với hệ thống nguồn Trung ương, các địa phương chưa triển khai cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền ban hành để đầu tư hoặc thuê ngoài. Với những nơi gặp khó khăn, Bộ TT&TT sẽ có giải pháp hỗ trợ.
Đối với việc chuyển đổi số công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố sử dụng nền tảng số để tập huấn cho người làm thông tin cơ sở cấp huyện, xã như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi,…
Cả nước hiện có 3.792 tài khoản Zalo OA của các xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 36%). Đây là công cụ, phương tiện để các địa phương truyền thông cơ sở, bên cạnh các kênh truyền thống như đài truyền thanh, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/he-thong-thong-tin-co-so-la-net-dac-sac-rieng-co-cua-viet-nam-2296264.html