Những năm gần đây, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, tạo đòn bẩy nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường tài chính.
Nhân viên Quỹ Tín dụng nhân dân Phương Định (Trực Ninh) hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số trên ứng dụng Co-opBank Mobile Banking . |
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, các ban, ngành, chính quyền địa phương, gần 5 năm qua Quỹ TDND thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đã hoạt động ổn định trở lại, khôi phục niềm tin của khách hàng, tiếp tục là địa chỉ tin cậy để người dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ông Vũ Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Quỹ cho biết: Quỹ đã tập trung kiện toàn bộ máy cán bộ; xử lý tốt nợ xấu, tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn kho quỹ, số dư tiền mặt, tài khoản; sắp xếp, bố trí lại quầy giao dịch theo hướng tạo thuận tiện cho khách hàng. Tăng cường gắn kết phối hợp với cán bộ chính quyền địa phương để minh bạch tình hình hoạt động, tài chính, công tác kho quỹ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của địa phương để người dân yên tâm, tin tưởng tiếp tục đồng hành. Ngoài ra, Quỹ tập trung thực hiện nghiêm túc quy định báo cáo, kiểm kê số liệu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng phục vụ công tác giám sát của Thanh tra NHNN Chi nhánh tỉnh. Để đảm bảo cung ứng tốt nguồn vốn cho các khách hàng là thành viên, Quỹ TDND thị trấn Cổ Lễ đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp để huy động vốn, nỗ lực phục vụ tốt nhu cầu vốn các thành viên với phương châm “Đồng hành với mọi gia đình – Hợp tác cùng phát triển, xây dựng giá trị cuộc sống”. Đến nay, Quỹ có tổng số 1.052 thành viên. Hết quý I-2023, tổng dư nợ tại Quỹ TDND thị trấn Cổ Lễ đạt 42 tỷ 355 triệu đồng với 184 món, không có nợ xấu, nợ quá hạn. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng là 70 tỷ 548 triệu đồng với 612 món; trong đó, tiền gửi của thành viên là 35 tỷ 897 triệu đồng, tiền gửi của khách hàng không phải thành viên đạt 34 tỷ 651 triệu đồng. Tổng số dư tiền gửi tại Co-opBank Chi nhánh Nam Định và các Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam của Quỹ TDND thị trấn Cổ Lễ là 32 tỷ 717 triệu đồng.
Từ nguồn vốn vay của QTDND, nhiều làng nghề tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được tháo gỡ khó khăn về vốn, phát triển ổn định, bền vững (Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ làng nghề Hải Minh-Hải Hậu). |
Nhìn chung 42 Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đều duy trì hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; phát huy được ưu thế trong công tác huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân trên địa bàn nông thôn tiếp cận vốn rẻ ngay tại địa phương. Các Quỹ toàn tỉnh có 40.388 thành viên, bình quân mỗi Quỹ có 961 thành viên. Tổng nguồn vốn các Quỹ TDND tính đến hết năm 2022 đạt 4.995 tỷ đồng, bình quân 119 tỷ đồng/Quỹ TDND. Trong đó, huy động tiền gửi tiết kiệm đạt 4.354 tỷ đồng, chiếm 87,2%; vốn tự có là 399 tỷ đồng, chiếm 8,13%; vốn vay Co-opBank là 146,84 tỷ đồng, chiếm 2,9%; vốn vay Quỹ bảo toàn là 5 tỷ đồng, chiếm 0,1%. Tổng dư nợ cho thành viên vay vốn là 4.150 tỷ đồng, bình quân cho 98,8 tỷ đồng/Quỹ TDND. Tiền gửi của các Quỹ TDND tại Co-opBank là 695 tỷ đồng. Nợ xấu của các Quỹ TDND chỉ chiếm 0,34% tổng dư nợ.
Được sự hỗ trợ của Co-opBank Chi nhánh Nam Định, các Quỹ TDND cũng tích cực ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường tài chính. Tại Quỹ TDND Phương Định (Trực Ninh), người dân và thành viên đều rất hứng khởi mở thẻ và tài khoản trên ứng dụng Co-opBank Mobile Banking. Ông Vũ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Phương Định cho biết: “Thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, Quỹ đã nhanh chóng triển khai dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank giúp “kết nối nông thôn – thành thị”, gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn của Quỹ giữa các cá nhân, hộ cũng như các dịch vụ thanh toán hiện đại; đặc biệt là đảm bảo an toàn trong vận chuyển tiền mặt”. Hiện tại, Quỹ đã hỗ trợ khách hàng mở được 215 tài khoản. Quý I năm 2023, tổng số tiền chuyển đi qua hệ thống chuyển tiền nhanh CF-eBank tại Quỹ đạt 73 tỷ đồng và tổng số tiền chuyển đến qua hệ thống là 50 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác quản lý, điều hành, kiểm soát các nghiệp vụ, các chỉ tiêu, số liệu, tỷ lệ an toàn hoạt động được thực hiện thông qua các phần mềm nghiệp vụ, cho phép kiểm tra, theo dõi, báo cáo chính xác, đầy đủ, kịp thời các mặt hoạt động. Công tác báo cáo thống kê, gửi nhận văn bản được thực hiện thông qua phần mềm trao đổi thông tin, biến động chuyển/nhận tiền do đơn vị viễn thông cung cấp, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm chi phí hoạt động cho Quỹ. Chị Đoàn Thị Huê, xóm Đông Nam cho biết: “Gắn bó với Quỹ TDND Phương Định ngay từ những ngày đầu thành lập nên tôi rất tin tưởng sử dụng các dịch vụ của Quỹ; nhất là dịch vụ chuyển tiền nhanh CF-eBank rất đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại mà không lo rủi ro chuyển tiền nhầm, thiếu hoặc chậm trả gốc, lãi”. Được biết, xưởng sản xuất tơ tằm truyền thống của gia đình chị Huê mỗi tháng cung ứng ra thị trường hơn 10 tấn tơ thương phẩm với giá bình quân mỗi 1kg tơ thô từ 1-1,5 triệu đồng. Vì thế, số tiền giao dịch hàng ngày của gia đình chị rất lớn. Sử dụng dịch vụ CF-eBank giúp chị quản lý dòng tiền tốt hơn. Không chỉ vậy, hàng tháng số tiền lãi, gốc đều được thông báo đến máy điện thoại của chị bằng tin nhắn nên không lo nộp chậm, nộp thiếu; mọi khoản vay tại Quỹ TDND Phương Định cũng được giải ngân chuyển khoản trực tiếp đến tài khoản của chị rất nhanh chóng, chính xác. Từ nay đến hết năm 2023, Quỹ TDND Phương Định phấn đấu 100% thành viên có dư nợ tại Quỹ mở tài khoản và thẻ, tiến tới mở rộng thêm các khách hàng không phải thành viên của Quỹ. 100% các món vay nộp và trả tiền lãi, giải ngân qua tài khoản.
Thời gian tới, các Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo đúng quy định của pháp luật với trọng tâm là đạt mục tiêu đảm bảo về chất lượng, an toàn, không chạy theo quy mô số lượng; quản lý chặt chẽ tài chính, tuân thủ chế độ chi tiêu; tăng tập huấn về nghiệp vụ mới cho đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về chuyển đổi số, về sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại của Quỹ TDND tới khách hàng, thành viên và người dân trên địa bàn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ lãnh đạo; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học, chuyển đổi số… cho cán bộ, nhân viên, đảm bảo có đủ nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình. Phối hợp chặt chẽ với Co-opBank Chi nhánh Nam Định trong việc hiện đại hóa, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu để triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, ngân hàng số theo định hướng đã đề ra, từng bước cung ứng, phát triển các dịch vụ ngân hàng số phù hợp với điều kiện của Quỹ TDND và nhu cầu sử dụng của khách hàng và thành viên trên địa bàn… góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số theo chủ trương, định hướng của Chính phủ và NHNN./.
Bài và ảnh: Đức Toàn