Bên cạnh những quan điểm về sinh con tại nhà hay tự chữa lành cơ thể, phong trào bài trừ vắc-xin cũng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Bên cạnh những quan điểm về sinh con tại nhà hay tự chữa lành cơ thể, phong trào bài trừ vắc-xin cũng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong những năm qua, trào lưu sống thuận tự nhiên đã thu hút không ít người, đặc biệt là những người tin rằng cơ thể con người có khả năng tự chữa lành mà không cần đến thuốc hay can thiệp y tế. Tuy nhiên, một biến tướng nguy hiểm của xu hướng này là việc cực đoan bài trừ vắc-xin và lan truyền những kiến thức y tế sai lệch trong cộng đồng.
Một bộ phận người dân đã quay lưng lại với việc tiêm vắc-xin phòng dịch. Mặc dù lợi ích của vắc-xin trong việc cứu sống hàng triệu người và ngăn ngừa đại dịch đã được chứng minh rõ ràng, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục lan truyền thông tin sai lệch, đổ lỗi cho vắc-xin về các bệnh lý không liên quan như đột quỵ, hoặc các bệnh theo mùa.
Trào lưu này không chỉ tác động đến những người trưởng thành, mà còn ảnh hưởng đến trẻ em và thai phụ. Một ví dụ điển hình là câu chuyện của một người mẹ trong cộng đồng sống thuận tự nhiên, người này “khoe” rằng con mình rất khỏe mạnh nhờ không tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào.
Mặc dù quan điểm này thiếu căn cứ khoa học, nhưng nó vẫn nhận được sự đồng tình từ một bộ phận không nhỏ phụ huynh, khiến việc tiêm vắc-xin ở trẻ em trở nên giảm sút.
Những người phản đối vắc-xin tin rằng vắc-xin có thể gây hại cho cơ thể, làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên, hoặc thậm chí gây ra những vấn đề như tự kỷ, vô sinh. Những quan điểm này ngày càng lan rộng, không chỉ từ những nguồn thông tin không chính thống mà còn từ những người có ảnh hưởng trong xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trào lưu chống vắc-xin là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Việc không tiêm vắc-xin có thể dẫn đến việc bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đe dọa không chỉ sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng.
Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng hiện nay vẫn chưa đạt được mức như mong đợi. Trong năm 2024, tỷ lệ tiêm vắc-xin chưa đạt tiến độ kế hoạch của Bộ Y tế, và dịch bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng. Điều này cho thấy nếu không tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã bày tỏ lo ngại rằng mỗi khi xảy ra trường hợp tai biến sau tiêm, phong trào “anti-vắc-xin” lại có cơ hội bùng phát, gây ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng.
Thực tế, sự tái bùng phát của các dịch bệnh tưởng chừng như đã được kiểm soát như sởi, bạch hầu, ho gà, viêm gan B… là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tác động của việc từ chối tiêm vắc-xin.
Ở các quốc gia phương Tây, dịch bệnh như viêm não hay thủy đậu cũng đã cướp đi nhiều sinh mạng trẻ em chỉ vì phụ huynh từ chối tiêm chủng cho con mình.
Mặc dù vắc-xin không thể đảm bảo 100% an toàn, nhưng đây vẫn là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, giúp cứu sống hàng triệu người và ngăn ngừa sự bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng từ 85 – 95% người được tiêm vắc-xin sẽ phát triển miễn dịch đặc hiệu chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm, sởi, bạch hầu, ho gà… Không chỉ bảo vệ cá nhân, việc tiêm vắc-xin còn giúp bảo vệ cộng đồng, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật.
Theo WHO, tiêm chủng đã giúp ngăn ngừa từ 3,5 đến 5 triệu ca tử vong mỗi năm. Vắc-xin bại liệt đã giúp cứu sống hơn 20 triệu người khỏi liệt vĩnh viễn, trong khi vắc-xin sởi đã giúp ngăn ngừa gần 94 triệu ca tử vong trong hơn 50 năm qua.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng trở nên phức tạp và khó lường, tiêm vắc-xin không chỉ là quyền lợi cá nhân, mà còn là nghĩa vụ đối với xã hội.
Việc tiêm vắc-xin giúp duy trì hiệu ứng miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những đối tượng yếu thế như trẻ em, người già, và những người có hệ miễn dịch yếu.
Mặc dù một số người lo ngại về các tác dụng phụ của vắc-xin, hầu hết các phản ứng chỉ là tạm thời như sốt nhẹ hoặc sưng tấy tại vị trí tiêm. Các phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp và không thể lấy đó làm lý do để phủ nhận lợi ích to lớn của vắc-xin trong việc phòng ngừa bệnh tật.
Bác sĩ Lê Thị Kim Hoa, Cố vấn tiêm chủng, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho biết, vắc-xin không chỉ là một công cụ y học mà là một biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Phản đối vắc-xin trong bối cảnh hiện nay chính là hành động không chỉ làm hại bản thân mà còn gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
Theo nữ bác sỹ, việc từ chối tiêm vắc-xin không chỉ khiến cá nhân đó gặp nguy cơ mắc bệnh, mà còn làm suy yếu hệ miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt là đối với những người không thể tiêm vắc-xin do lý do y tế, họ cần sự bảo vệ gián tiếp từ cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Một chuyên gia y tế quốc tế, TS.Michael Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO từng phát biểu, vắc-xin đã giúp nhân loại chiến thắng nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Những ai không tiêm vắc-xin không chỉ làm hại chính mình, mà còn là mối đe dọa đối với cộng đồng rộng lớn hơn, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương.
Nguồn: https://baodautu.vn/he-qua-nguy-hiem-cua-viec-bai-tru-vac-xin-d237275.html