Số người lao động rút BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước cho thấy thực tế đáng lo, rất nhiều người về già sẽ không có lương hưu. Việc rút BHXH một lần rồi đóng trở lại cũng có những hệ lụy với cả người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.
Những bất cập thấy rõ là vấn đề chế độ đóng hưởng lương hưu còn thấp, người lao động chân tay đối mặt với thực trạng “tuổi nghề ngắn, tuổi hưu quá dài”, hết tuổi được tuyển dụng phải rút BHXH để tiêu.
Báo VietNamNet phản ánh thực trạng trên, góp phần nhận diện rõ hơn và mong muốn sớm có những thay đổi phù hợp khi dự thảo Luật BHXH sửa đổi với những đề xuất mới đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Rút ‘một cục’ để lấy vốn làm ăn
Chị Lê Thị Hằng (40 tuổi), công nhân tại một công ty sản xuất giấy ở KCN Đồng An (Bình Dương), cho biết, sau đại dịch Covid-19, công ty ít việc, thu nhập giảm nên chị đang tính xin nghỉ và chờ rút BHXH một lần.
Với 15 năm tham gia BHXH, nếu chị Hằng rút một cục sẽ nhận được khoảng gần 200 triệu đồng. Khoản tiền này sẽ giúp gia đình chị giải quyết được một số vấn đề, ổn định cuộc sống.
Chị Hằng nêu thực tế, hiện nay không ít người lao động suy nghĩ, ở tuổi 35 – 40 kể cả đóng BHXH được 20 năm vẫn phải chờ thêm 15 – 20 năm nữa mới đủ tuổi nhận lương hưu. Do vậy, thay vì ngồi chờ đến tuổi hưu, nhiều người chọn rút BHXH một lần để có khoản vốn làm ăn sau khi nghỉ việc.
“Chính quy định tuổi nghỉ hưu kéo dài (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) khiến không ít người lao động tính đến lợi ích trước mắt thay vì lợi ích lâu dài. Nhiều người tính toán, nếu chờ đến khi nhận được lương hưu thì chỉ sống thêm được trên dưới 10 năm, nên chọn rút BHXH một lần thay vì chờ đến tuổi nghỉ hưu”, chị Hằng nói.
Hệ lụy tiêu cực cho cả người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM nêu thực tế, hiện nay quy định 20 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu, nhưng có những người đã đóng 18-19 năm xin nghỉ việc để rút một lần khi tuổi đời ở ngưỡng 40 – 45 tuổi.
Do vậy, nếu quy định giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm được hưởng lương hưu, tuổi nghỉ hưu vẫn ở mức nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi thì người lao động tuổi 35 – 40 tham gia BHXH được 14 năm không loại trừ khả năng chọn phương án rút một lần để không phải chờ đến tuổi hưu quá dài.
Ông Tâm cho rằng, dù trong dự thảo sửa đổi quy định người rút BHXH một lần phải đóng BHXH 20 năm (thay vì 15 năm với người chưa rút một lần) mới được hưởng lương hưu, nhưng với những người trẻ tuổi, không ít người khi mất việc vẫn lựa chọn rút một lần rồi về sau có cơ hội việc làm sẽ đóng tiếp để hưởng lương hưu.
Việc người lao động nghỉ việc, rút một cục rồi sau đó xin việc mới, đóng BHXH vòng hai đủ 15 năm (hoặc 20 năm như dự thảo Luật BHXH sửa đổi) để hưởng lương hưu sẽ để lại hệ lụy tiêu cực cho cả người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.
“Người lao động rút một lần khi đóng BHXH 15-20 năm được hưởng 45% mức hưởng sẽ không đủ sống. Trong khi đó, doanh nghiệp không có sự ổn định sản xuất, kinh doanh khi số lao động làm việc 14 năm đóng BHXH lại xin nghỉ. Hơn nữa, nếu số người rút một lần tiếp tục tăng cao sẽ dẫn đến lo ngại vỡ quỹ BHXH”, ông Tâm nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, việc để người lao động rút BHXH một cục rồi tham gia thị trường lao động lại từ đầu là thất bại của chính sách. Người lao động khi “rút sạch” làm cho bảo hiểm hưu trí trở nên vô nghĩa và để lại hệ luỵ cho người lao động khi về già không có lương hưu.
Theo ông Huân, chính sách về rút bảo hiểm một cục theo Chế độ 176 trước đây đã để lại bài học đau đớn cho những người rút BHXH một lần. Khi về già họ không có lương hưu nên cuộc sống rất khốn khổ.
Ông Huân cho rằng, tuổi nghỉ hưu giảm là điều kiện quan trọng hơn giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu. Muốn giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH thì chính sách đóng hưởng BHXH phải phù hợp.
Nên giảm tuổi hưu với lao động trực tiếp
Đề xuất vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH, 8 hiệp hội doanh nghiệp (gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam, Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, Hội Thực phẩm minh bạch, Hội Dệt may Việt Nam, Hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy) cho rằng, cơ quan soạn thảo nên sửa theo hướng tạo điều kiện cho người lao động nghỉ hưu sớm.
Theo hiệp hội doanh nghiệp, dự thảo nên bổ sung quy định người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng, với nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH từ đủ 15 năm; mức lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH, nhưng mỗi năm nghỉ trước tuổi so với quy định trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
“Đa số người lao động Việt Nam làm việc chân tay, khi lao động nữ tới 55 tuổi, nam 60 tuổi, sức khỏe giảm sút khó đáp ứng được yêu cầu công việc, nguy cơ mất việc lớn. Do vậy, nếu phải chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu như hiện nay (nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi) người lao động sẽ gặp khó trong việc đảm bảo cuộc sống”, hiệp hội doanh nghiệp cho biết.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo Bộ luật Lao động mới sửa đổi và tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018, đã có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Do vậy nếu đề xuất giảm tuổi hưu sẽ rất khó.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo có thể đề xuất bổ sung tăng thêm các đối tượng được về hưu sớm hơn so với quy định hiện hành. Ngoài lao động nặng nhọc, độc hại, có thể đề xuất áp dụng với ngành nghề như: Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, lao động trực tiếp nặng nhọc… Những đối tượng này được về hưu trước và giữ nguyên chế độ hưởng tối đa 75% lương đóng BHXH.
Ông Phạm Minh Huân cho hay, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng danh mục ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, vì thế, Ban soạn thảo có thể bổ sung những ngành nghề được nghỉ hưu sớm mà không phải trừ mỗi năm 2%.
Kỳ tới: Để tuổi hưu ‘an nhàn’, mức đóng BHXH phải sát với lương thực tế