Cơ hội việc làm rộng mở
Chia sẻ về tiềm năng của ngành Thú y, TS Dương Văn Nhiệm – giảng viên khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá – nhu cầu nhân lực của ngành rất rộng mở, đặc biệt là nhân lực có trình độ, chuyên môn.
“Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực làm việc trong nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp, trong đó bao gồm cả Thú y. Vì vậy, sinh viên có kiến thức và trình độ hoàn toàn không lo thất nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp ngành Thú y có thể làm trong các cơ quan nhà nước, các công ty sản xuất thuốc, vaccine hay làm trong bệnh viện, phòng khám thú y” – TS Dương Văn Nhiệm cho biết.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đức Vũ – Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương 5 cho biết – công ty sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất dành cho nhân lực chất lượng cao.
“Hiện nay, công ty chúng tôi đang tuyển tất cả các vị trí việc làm như nhân viên nghiên cứu phát triển vaccine, lai tạo giống, các chế phẩm sinh học; nhân viên nhận mẫu xét nghiệm; nhân viên kinh doanh nằm vùng và một số lĩnh vực khác.
Khi tiếp nhận các vị trí việc làm, người lao động sẽ nhận được điều kiện làm việc tốt nhất, từ đó phát huy năng lực sở trường, đem lại giá trị cho doanh nghiệp” – ông Vũ chia sẻ.
Mức lương hấp dẫn
Cơ hội việc làm và mức lương là yếu tố được nhiều người học đặt lên hàng đầu khi lựa chọn ngành nghề. Đứng trước Thú y – ngành học được cho là đã cũ, nhiều bạn trẻ băn khoăn về mức đãi ngộ họ sẽ nhận được sau khi ra trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Cường – Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Thuốc thú y Agriviet đánh giá – mức lương khởi điểm của ngành Thú y khá hấp dẫn.
“Mức lương dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Thú y được đánh giá cao hơn mặt bằng chung so với các ngành nghề khác, dao động từ 15 – 30 triệu/tháng. Với những nhân sự chất lượng cao, mức đãi ngộ có thể cao hơn nữa” – ông Cường cho hay.
Về vấn đề này, TS Dương Văn Nhiệm nhìn nhận: “Nhìn chung, bất cứ ngành nghề nào, mức lương sẽ đi kèm với kiến thức, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực. Đánh giá ở ngày hội việc làm do Học viện Nông nghiệp vừa tổ chức, các doanh nghiệp thú y sẵn sàng trả mức lương hậu hĩnh cho nhân lực đáp ứng được yêu cầu mà họ đặt ra”.
Yêu cầu đối với người học
Đối tượng phục vụ trực tiếp của ngành Thú y là động vật nhưng đối tượng được phục vụ gián tiếp là con người. Vì vậy, ngành Thú y cũng được coi là ngành góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Điều này đặt ra một số yêu cầu dành cho nhân lực tốt nghiệp ngành Thú y.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thúy Thúy – bác sĩ thú y đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề, chủ kênh Tiktok Thú y OVET cho rằng – để thực sự làm nghề, sinh viên cần “học đi đôi với hành”.
“Ngành Thú y rất rộng, mỗi loại vật nuôi sẽ có những đặc điểm, chứng bệnh khác nhau. Kiến thức trong sách và thực hành chẩn đoán bệnh, kê đơn cách nhau rất xa nếu sinh viên chỉ học thụ động.
Vì vậy, ngay từ khi còn là sinh viên, hãy tạo cho mình cơ hội trải nghiệm, thực hành, từ đó tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ của bản thân. Đây chính là cách nhanh nhất để có cơ hội việc làm rộng mở, mức lương hấp dẫn” – bà Thúy đưa ra lời khuyên.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/he-lo-nganh-hoc-thu-vi-sinh-vien-duoc-doanh-nghiep-san-don-1355060.ldo