Theo AP, kế hoạch của ông Johnson (thành viên đảng Cộng hòa) là tiếp tục cung cấp ngân sách cho các cơ quan và chương trình chính phủ đến ngày 19.1.2024 và ngày 2.2.2024 (phân chia thành 2 nhóm khác nhau). Đây là cách tiếp cận hiếm khi được áp dụng đối với chi tiêu liên bang tạm thời. Thông thường, các nhà lập pháp kéo dài thời gian cung cấp ngân sách đến một ngày nhất định cho tất cả các chương trình.
Ông Johnson quyết định áp dụng phương pháp kết hợp, giải quyết những lo ngại từ các nghị sĩ Cộng hòa đang muốn tránh phải đối mặt với một dự luật chi tiêu khổng lồ ngay trước kỳ nghỉ lễ. Theo ông, kế hoạch “hai bước” nêu trên giúp đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ “đứng ở vị trí tốt nhất để đấu tranh và đem về chiến thắng cho phe bảo thủ”. Kế hoạch không bao gồm các khoản tiền mà Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu cho Israel, Ukraine cũng như cho biên giới Mỹ – Mexico.
Dù không ủng hộ các phương án chi tiêu tạm thời dưới bất kỳ hình thức nào, nhóm hạ nghị sĩ Cộng hòa cứng rắn trước đó đã báo hiệu họ sẽ tạo điều kiện để thông qua kế hoạch của ông Johnson, giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian đàm phán một thỏa thuận dài hạn. Song một số thành viên nhóm này đã lên tiếng chỉ trích ngay sau khi kế hoạch được hé lộ ngày 11.11.
Trong khi đó, chính quyền Biden cho rằng kế hoạch này “không nghiêm túc”, không thể thực hiện và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, đề xuất của ông Johnson là “công thức” khiến đảng Cộng hòa thêm hỗn loạn và chính phủ phải đóng cửa thêm nhiều lần. “Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện cần ngừng lãng phí thời gian vào chia rẽ nội bộ của họ, hoàn thành công việc và tiến hành hợp tác lưỡng đảng để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa”, bà nói.
Chính phủ liên bang Mỹ đang hoạt động theo mức ngân sách đã được lưỡng viện quốc hội phê duyệt vào năm ngoái. Đối mặt với nguy cơ chính phủ đóng cửa khi tài khóa kết thúc vào ngày 30.9, quốc hội Mỹ đã thông qua một “nghị quyết tiếp tục” (continuing resolution hay CR) để cung cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ trong thời hạn 47 ngày, tức đến ngày 17.11.
Kế hoạch ngân sách tạm thời mới cần được thông qua ở cả Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện nằm trong tay đảng Dân chủ, trước khi được đưa đến bàn Tổng thống Biden. Nếu không có một thỏa thuận nào trước ngày 18.11, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngay lập tức cảm nhận được tác động:
1,5 triệu nhân viên chính phủ liên bang sẽ không được trả lương, hầu hết các cơ sở liên bang bao gồm các công viên quốc gia sẽ đóng cửa và các lĩnh vực như hàng không có thể bị gián đoạn hoạt động, theo AFP.
Vết xe đổ của người tiền nhiệm
Ông Johnson, người giành được búa Chủ tịch Hạ viện chưa đầy 3 tuần trước, có thể gây nguy hiểm cho tương lai chính trị của chính mình nếu kế hoạch hiện tại của ông không giành được đủ sự ủng hộ để thông qua và ông buộc phải đưa ra một đề xuất mà đảng Dân chủ có thể chấp nhận.
Chính phủ Mỹ đã thoát cảnh đóng cửa trong gang tấc hồi đầu tháng 10 sau khi người tiền nhiệm của ông Johnson, Kevin McCarthy, đưa ra một kế hoạch mang tính lưỡng đảng về ngân sách tạm thời. Song hành động này đã khiến ông McCarthy bị bãi nhiệm chỉ vài ngày sau đó và Hạ viện Mỹ gần như tê liệt 1 tháng vì không có chủ tịch.