Xung quanh tin có lính NATO ở Ukraine, hé lộ vũ khí “khủng” của Nga, Moscow trước thềm bầu cử Tổng thống, khủng hoảng Haiti, xung đột Israel-Hamas… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tình trạng Bạo loạn ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti, hôm 7/3. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Thông tin về sự hiện diện của lính NATO ở Ukraine: Ngày 10/3, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho hay, quân nhân thuộc các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có mặt ở Ukraine.
Về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cơ quan an ninh Nga từ lâu đã có thông tin nói rằng các cố vấn của NATO đang ở Ukraine.
Cả hai bên đều không nói rõ đó là quân nhân của nước nào. (Reuters)
* Ông Donald Trump sẽ không viện trợ cho Ukraine nếu đắc cử, đây là lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, sau khi ông có cuộc gặp với vị cựu Tổng thống Mỹ ở Florida hôm 8/3.
Thủ tướng Orban khẳng định: “Ông ấy sẽ không đổ một xu nào vào cuộc chiến Ukraine-Nga và do đó xung đột sẽ kết thúc. Rõ ràng là Ukraine không thể tự đứng trên đôi chân của họ…”.
Theo nhà lãnh đọa, nếu Mỹ và châu Âu không cung cấp tiền và vũ khí cho Ukraine thì cuộc chiến này sẽ kết thúc. Và nếu Mỹ không đưa tiền, thì châu Âu không thể tự mình tài trợ cho cuộc chiến này, và rồi xung đột cũng sẽ kết thúc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, một số quốc gia châu Âu ủng hộ việc tiếp tục xung đột ở Ukraine sẽ thay đổi lập trường nếu ông Trump trở lại nắm quyền ở Mỹ.
Hungary hy vọng rằng, nếu ông Trump đắc cử sẽ dẫn đến việc bắt đầu các cuộc đàm phán và chấm dứt xung đột Ukraine. (Reuters, Breitbart)
* Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoãn thăm Ukraine lần thứ 3 kể từ tháng 2 và dự kiến sẽ đến quốc gia Đông Âu này trong những tuần tới.
Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Macron và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm trong ngày 10/3, nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ, đặc biệt liên quan chuyến thăm của nhà lãnh đạo Pháp.
Một số nguồn tin ngoại giao nói rằng, ông Macron đang cân nhắc thăm Ukraine cùng các nhà lãnh đạo phương Tây khác thay vì chuyến thăm song phương, để thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev. (AFP)
* Ukraine sắp đưa tù nhân sung quân: Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Denis Maluska cho biết, chính quyền nước này đang tích cực làm việc để xây dựng dự luật cho phép huy động tù nhân và người bị kết án tham gia chiến sự.
Các trường hợp loại trừ là những người phạm tội trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc chống lại an ninh quốc gia, cũng như những người vi phạm kỷ luật quân đội.
Nhấn mạnh vấn đề này nhận được sự ủng hộ của các thành viên Quốc hội mà không có sự phản đối nào, theo ông Maluska, dự luật sẽ được đăng ký vào tuần tới và việc bỏ phiếu sẽ diễn ra tại Quốc hội trong lần rà soát thứ nhất và thứ hai.
Nước này cũng đang xem xét khả năng thành lập các biệt đội độc lập từ những người bị kết án. (Weukraine)
TIN LIÊN QUAN | |
Moscow phủ nhận ý đồ thủ tiêu Tổng thống Ukraine Zelensky, nói kho vũ khí mới là mục tiêu |
Châu Âu
* Bom tấn nặng nhất FAB-1500 khiến quân Nga chiếm ưu thế, kênh truyền hình CNN dẫn lời các nhân viên quân sự và chuyên gia ngày 10/3 nhận định.
Theo đó, FAB-1500 – gắn bộ điều khiển để có khả năng lượn – dường như đang được quân đội Nga tích cực sử dụng và chúng đang “phá hủy hệ thống phòng thủ của Ukraine đồng thời làm thay đổi cán cân” trên tiền tuyến.
Theo CNN, loại bom nặng 1,5 tấn này có gần một nửa trọng lượng là chất nổ có sức công phá mạnh. Kết hợp với mô-đun lượn, nó có khả năng tấn công từ khoảng cách lên tới 50-70 km, khiến máy bay chiến đấu mang nó khó có thể bị nhiều hệ thống phòng không của Ukraine với tới.
Một binh sĩ thuộc lữ đoàn cơ động hàng không số 46 của Ukraine cho biết: “Việc sử dụng loại bom cực mạnh này gây áp lực lớn lên tinh thần của binh sĩ. Không phải tất cả các binh sĩ của chúng tôi đều có thể chịu đựng được. Mặc dù họ ít nhiều đã quen với bom FAB-500, nhưng FAB-1500 thật sự là địa ngục”.
* Nga thay thế Tư lệnh Hải quân: Reuters đưa tin, ngày 10/3, hãng tin tư nhân Fontanka – có trụ sở tại St. Petersburg, trích dẫn các nguồn giấu tên cho biết, Nga đã bổ nhiệm Đô đốc Alexander Moiseev làm quyền Tư lệnh Hải quân nước này.
Reuters chưa thể xác minh thông tin trên, trong khi trên trang web Bộ Quốc phòng Nga, Đô đốc Nikolai Yevmenov, Tư lệnh Hải quân Nga từ tháng 5/2019, hiện vẫn được ghi giữ vai trò này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về thông tin ông Yevmenov đã bị thay thế.
* Trước thềm bầu cử Nga: Thành viên Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) Pavel Andreyev cho biết, cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ được tổ chức tại 295 điểm bỏ phiếu ở 144 quốc gia, bao gồm cả 7 điểm bỏ phiếu ở Baikonur, thành phố mà Moscow thuê và quản lý ở Kazakhstan.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cho biết, phái bộ ngoại giao này đang “liên lạc chặt chẽ” với Bộ Ngoại giao Mỹ để đảm bảo an ninh trước thềm cuộc bầu cử, sẽ diễn ra từ 15-17/3.
Ông Antonov bày tỏ hy vọng phía Mỹ “sẽ thực hiện nghĩa vụ đảm bảo an ninh cho cơ quan đại diện ngoại giao”. (Reuters, Interfax)
* Hungary kêu gọi các nước châu Âu phát triển quân đội: Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết các nước châu Âu cần phải dành kinh phí để phát triển quân đội và vũ khí vì Mỹ sẽ không trả tiền an ninh thay cho người châu Âu.
Ông khuyến cáo: “Tất cả các nước châu Âu phải có quân đội và trang bị vũ khí riêng, chúng ta phải có khả năng bảo vệ đất nước của mình hoặc đóng góp xây dựng tiềm lực quân sự chung trong liên minh” dù đây là một “gánh nặng lớn”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Hungary hối thúc xây dựng quân đội châu Âu, hé lộ kế hoạch của ông Donald Trump về xung đột Ukraine |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Nga chuẩn bị mở tổng lãnh sự quán ở Maldives: Theo một bài đăng trên cổng thông tin pháp lý chính thức, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký sắc lệnh mở tổng lãnh sự quán Nga tại thủ đô Male của Cộng hòa Maldives hôm 7/3.
Sắc lệnh cho hay: “Bộ Ngoại giao Nga sẽ xác định quy mô nhân sự của Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga tại Male trong phạm vi số lượng nhân sự của các cơ quan đại diện ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga và phê duyệt kế hoạch nhân sự”. (Interfax)
* Trung Quốc bế mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV ngày 11/3. Các đại biểu quốc hội Trung Quốc đã thông qua nghị quyết về hàng loạt báo cáo, dự thảo luật, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2024 và ngân sách.
Theo Reuters, trong phiên bế mạc, Quốc hội Trung Quốc thông qua sửa đổi đạo luật, qua đó trao cho Đảng Cộng sản thêm quyền kiểm soát hành pháp đối với Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc.
* Tín đồ Hồi giáo Indonesia đón tháng lễ Ramadan, dịp lễ linh thiêng nhất trong năm đối với người theo đạo Hồi. Các chức sắc tôn giáo tại đất nước vạn đảo đã kêu gọi các tín đồ chào đón tháng lễ trong niềm lạc quan và sự tin tưởng.
Trong suốt tháng lễ Ramadan, các nhà thờ, các phường và các gia đình khá giả thường tổ chức những bữa ăn từ thiện để chia sẻ với mọi người. Các suất ăn được chuẩn bị vào hộp để mọi người cùng nhau ăn tối sau khi cầu nguyện, thường gọi là “buka puasa”.
Với đức tin và sự sùng kính, các tín đồ Hồi giáo Indonesia chào đón tháng lễ Ramadan như một dịp để tự hoàn thiện mình và hướng đến những điều tốt đẹp, tốt đẹp từ trong ý nghĩ đến việc thực hành các nghi thức tôn nghiêm. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc cung cấp vũ khí gì cho Maldives? |
Trung Đông-châu Phi
* Israel thả 56 người Palestine bị giam giữ ở Dải Gaza, theo thông báo của Cơ quan biên giới ở dải đất đang chìm trong xung đột này.
Nhóm người Palestine nêu trên đã được phóng thích qua cửa khẩu Kerem Shalom ở phía Nam Dải Gaza. Thông cáo còn khẳng định, trên cơ thể của những người được thả có dấu vết tra tấn. (THX)
* Hezbollah tấn công tiền đồn Israel ở Cao nguyên Golan: Ngày 11/3, phong trào Hezbollah ở Lebanon tuyên bố đã tiến hành cuộc tấn công bằng 4 máy bay không người lái (UAV) vào một tiền đồn phòng không của Israel phía bên kia biên giới ở khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Hezbollah nhấn mạnh, cuộc tấn công hiếm hoi này đã đánh trúng mục tiêu nhằm thể hiện sự ủng hộ các nhóm chiến binh Palestine ở Dải Gaza. (Reuters)
* Chính quyền Palestine yêu cầu Hamas bàn giao quyền quản lý Gaza: Ông Mahmoud Habbash, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, cho biết, chính phủ kỹ trị mới của nước này sẽ sớm được công bố và chỉ nằm dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Mahmoud Abbas cùng đảng Fatah của ông.
Ông Mahmoud Habbash tuyên bố: “Hamas phải bàn giao quyền lực ở Gaza cho Chính quyền Palestine”. (Times of Israel)
* Lãnh đạo Libya nhất trí thành lập chính phủ thống nhất mới để giám sát các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vốn bị trì hoãn lâu nay, cũng như cung cấp các dịch vụ cần thiết cho công dân Libya.
Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya (PC) Mohamed Menfi, người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Cấp cao (HSC) Mohamed Takala và Chủ tịch Hạ viện (HoR) Aguila Saleh đã đưa ra quyết định này trong một tuyên bố chung tại Cairo, sau cuộc gặp Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit.
Ba nhà lãnh đạo kêu gọi Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) và cộng đồng quốc tế ủng hộ các đề xuất của mình, đồng thời cho biết đã đồng ý thành lập một ủy ban kỹ thuật để “xem xét các điểm gây tranh cãi” liên quan đến các cuộc bầu cử và tổ chức vòng họp thứ 2 để thực hiện thỏa thuận này.
Họ cũng nhấn mạnh chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Libya, bác bỏ mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tiến trình chính trị ở quốc gia Bắc Phi này. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ tuyên bố ‘giới hạn đỏ’ với Israel, Thủ tướng Netanyahu vẫn quyết không chấp nhận giải pháp hai nhà nước |
Châu Mỹ
* Khủng hoảng Haiti: Ngày 11/3, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Peter Stano cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Haiti do tình hình an ninh xấu đi nghiêm trọng, khi các băng nhóm vũ trang kiểm soát phần lớn thủ đô nước này.
EU cũng đang hết sức quan ngại về những diễn biến tại Haiti trong những ngày gần đây và sẽ đánh giá tình hình và để điều chỉnh cách thức hoạt động của các nhân viên ngoại giao khi tình hình an ninh cải thiện.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước trong Cộng đồng Caribbean (CARICOM) đã triệu tập các đặc phái viên từ Mỹ, Pháp, Canada và Liên hợp quốc tới tham dự một cuộc họp tại Jamaica, diễn ra trong ngày 11/3 (giờ địa phương) để thảo luận về tình trạng bạo lực đang hoành hành tại Haiti.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham gia cuộc họp, dự kiến ông sẽ thảo luận về một đề xuất của CARICOM và các quan chức Haiti nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chính trị ở Haiti, cũng như triển khai phái bộ an ninh đa quốc gia nhằm lập lại trật tự.