Phương án sáp nhập 80 phường và đề án xây dựng hơn 500km metro được UBND TPHCM báo cáo HĐND TPHCM tại kỳ họp lần thứ 17, khai mạc sáng 15.7.
TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành 6 tuyến Metro đến năm 2035. Ảnh: Anh Tú
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 tại TPHCM, có 80 phường thuộc các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận phải sắp xếp.
Toàn cảnh kỳ họp lần thứ 17 HĐND TPHCM khóa X. Ảnh: Minh Quân
Sau sắp xếp, từ 80 phường sẽ hình thành 38 phường mới. Trong đó, đa số nhập từ hai phường thành một phường mới, có 7 trường hợp nhập ba phường hoặc một phần phường cũ hình thành phường mới. Có 9 phường phải điều chỉnh ranh giới.
Trước đó, UBND TPHCM đã lấy ý kiến cử tri 80 phường thuộc diện sáp nhập. Kết quả đã có 961.533 cử tri được lấy ý kiến, trong đó 91,28% cử tri đồng ý chủ trương sắp xếp; 1,92% cử tri không đồng ý và 491 ý kiến khác. Dự kiến, TPHCM sẽ hoàn thành việc sáp nhập 80 phường trong quý 3/2024.
TPHCM sắp xếp 80 phường thành 38 phường mới. Ảnh: Anh Tú
Về đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, TPHCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km.
6 tuyến gồm: Tuyến số 1 (Depot Long Bình – Bến Thành – An Hạ) dài 40,8 km; Tuyến số 2 (An Sương – Bến Thành – Thủ Thiêm) dài 20,2 km; Tuyến số 3 (Hiệp Bình Phước – Vòng xoay Dân Chủ – Tân Kiên – An Hạ) dài 29,5 km; Tuyến số 4 (Depot Đông Thạnh – Bến Thành – Ga Bà Chiêm, Vành đai 3) dài 36,8 km; Tuyến số 5 (Ga Võ Chí Công (Vành đai 2) – Bảy Hiền – Depot Đa Phước) dài 32,5 km; Tuyến số 6 (Bà Quẹo – Sân bay Tân Sơn Nhất – Bình Triệu – Phú Hữu) dài 22,8 km.
Đến năm 2045, TPHCM sẽ xây dựng, hoàn thành tổng cộng 351 km đường sắt đô thị. Năm 2060, dự kiến toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị 10 tuyến, tổng chiều dài 510 km sẽ được hoàn thành.
TPHCM quy hoạch hệ thống metro dài hơn 500 km. Ảnh: MAUR
Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn từ nay đến năm 2035 (chưa tính vốn đầu tư Metro số 1) là khoảng 837.000 tỉ đồng (tương đương 34,9 tỉ USD).
Theo đề án, trong cơ cấu nguồn vốn huy động để xây dựng các tuyến metro thì không có nguồn vốn vay ODA.
Theo đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 9,75 tỉ USD; ngân sách TPHCM khoảng 8,62 tỉ USD; nguồn tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách Trung ương và ngân sách TPHCM là hơn 7 tỉ USD. Ngoài ra, còn 2 nguồn thu từ đấu giá đất xung quanh các nhà ga (mô hình TOD) là 5 tỉ USD và nguồn từ trái phiếu địa phương 6,4 tỉ USD.
Về cơ chế chính sách, TPHCM đề xuất 6 nhóm chính sách với 28 cơ chế. Trong đó, có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.
Dự kiến, các nội dung về các cơ chế chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Kỳ họp lần thứ 17 HĐND TPHCM khóa X diễn ra trong 2,5 ngày làm việc. Ngoài xem xét 2 đề án quan trọng trên, kỳ họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời, tập trung thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa – xã hội, giáo dục…
Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM sẽ có phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM và Chủ tịch UBND quận Bình Tân.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/hdnd-tphcm-xem-xet-phuong-an-sap-nhap-80-phuong-va-sieu-de-an-hon-500km-metro-1366436.ldo