Thảo luận vấn đề quy hoạch
Ngày 22/6, HĐND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Tham dự kỳ họp có Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh 2 nội dung của kỳ họp là 2 vấn đề cấp thiết góp phần phát triển thành phố trong tương lai.
Việc lập báo cáo quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là nội dung có vai trò vô cùng quan trọng, làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch khác, định hướng để Thành phố chỉ đạo quản lý, điều hành.
Việc lập quy hoạch đô thị là yếu tố then chốt để định hướng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
“Quy hoạch lần này góp phần tạo tiền đề để thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, bà Lệ nói.
Trong đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã gửi tới các đại biểu hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh. Đây là việc Thành phố cần thực hiện trước khi trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch.
Ngoài ra, theo bà Lệ, việc thông qua nghị quyết ban hành đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và nghị quyết quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Từ đó thống nhất số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn.
Điều này sẽ có ý nghĩa cấp bách góp phần củng cố lực lượng kịp thời, tạo cơ sở pháp lý nhằm đưa ra một cơ chế hỗ trợ toàn diện, đảm bảo điều kiện hoạt động tốt nhất cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thêm nữa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thành phố Hồ Chí Minh.
Tại kỳ họp này, HĐND thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện công tác nhân sự theo quy định.
Hỗ trợ lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Trong kỳ họp, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày tờ trình Đề án Xây dựng, bố trí lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi lấy ý kiến các đại biểu, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết về đề án này.
Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, mỗi khu phố, ấp thành lập 1 tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Số lượng thành viên bố trí theo quy mô nhân khẩu của từng khu phố, ấp.
Đối với các khu phố, ấp có quy mô đến 2.700 nhân khẩu được bố trí 3 thành viên, bao gồm 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và 1 tổ viên. Đối với các khu phố/ấp có trên 2.700 đến 3.600 nhân khẩu được bố trí thêm 1 tổ viên và tăng thêm đủ 900 nhân khẩu thì bố trí tăng thêm 1 tổ viên.
Về mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng đối với tổ trưởng là 6,5 triệu đồng/người/tháng; tổ phó là 6,3 triệu đồng/người/tháng; tổ viên là 6 triệu đồng/người/tháng.
Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 100% số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trên mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và 100% tiền đóng bảo hiểm y tế hàng năm.
Khi làm nhiệm vụ vào ngày nghỉ, ngày lễ được bồi dưỡng 600 ngàn đồng/người/ngày.
Cũng theo Nghị quyết này, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức theo các quy định hiện hành.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ theo quy định hiện hành.
Việc chi cho sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo quy định hiện hành.
Trong tờ trình của UBND thành phố Hồ Chí Minh, 1 thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự sẽ phụ trách tối đa 900 nhân khẩu. Điều này đảm bảo cân đối về số lượng, đảm bảo hiệu quả trong công tác nắm tình hình, bám sát cơ sở, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Định mức 1 thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự phụ trách tối đa 900 nhân khẩu căn cứ vào thực tiễn 1 tổ bảo vệ an ninh, trật tự sẽ hỗ trợ công an phường, xã, thị trấn (trực tiếp là lực lượng cảnh sát khu vực) trong công tác bám sát cơ sở, nắm tình hình.
Đồng thời, 1 tổ bảo vệ an ninh, trật tự sẽ phụ trách ở mức trung bình nhân khẩu 1 cảnh sát khu vực quản lý là từ 2.000 đến 3.600 nhân khẩu. Điều này phù hợp với định mức đề xuất 1 thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự phụ trách tối đa 900 nhân khẩu.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hdnd-tphcm-thao-luan-ve-van-de-quy-hoach-a669477.html