Trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, HĐND tỉnh đã dành thời gian thực hiện các hoạt động giám sát tại kỳ họp. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn các vị Thường trực HĐND tỉnh về một số vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND tỉnh.
Ông NGUYỄN KHẮC TOÀN – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa: Đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát
Giám sát là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những chức năng chính yếu của HĐND. Có thể khẳng định, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh thời gian qua đã được quan tâm triển khai thường xuyên, có nhiều đổi mới theo hướng cụ thể hóa, thực chất và hiệu quả, đi vào những vấn đề trọng tâm, bức thiết, được cử tri, dư luận quan tâm. Các cuộc giám sát chuyên đề đã được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, được đại biểu HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, góp phần tạo chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, hành động và cách thức tổ chức thực hiện của cơ quan giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, mang lại kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa |
– Tại kỳ họp này, lần đầu tiên HĐND tỉnh tiến hành xem xét Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh trong năm trước, ông có thể chia sẻ thêm về kết quả giám sát của cơ quan dân cử tỉnh trong năm 2022?
– Trong năm 2022, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 2 chuyên đề, gồm: “Công tác quản lý và sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” và “Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 năm 2018 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05 năm 2012 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”. Các ban của HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát 7 chuyên đề liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Các đoàn giám sát đã phát hiện, nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các lĩnh vực; qua đó kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp khắc phục.
Cùng với đó, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được Thường trực HĐND tỉnh chú trọng thực hiện, phát huy hiệu quả. Trong năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành 2 đợt giám sát quá trình giải quyết đối với 5 đơn (1 đơn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh và 4 đơn trên địa bàn TP. Nha Trang). Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình giải quyết đơn của công dân; kiến nghị nâng cao trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền và trình tự, thủ tục. Đồng thời, kết quả giám sát là cơ sở quan trọng để Thường trực HĐND tỉnh lưu đơn, góp phần rút ngắn quá trình xử lý đơn thư.
Một trong những hoạt động giám sát luôn nhận được sự quan tâm từ đông đảo cử tri và nhân dân là chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Việc lựa chọn “đúng”, “trúng” những vấn đề trọng tâm, bức xúc, phù hợp với yêu cầu của thực tế đã làm cho hoạt động giám sát đi vào đời sống xã hội, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết thúc phiên chất vấn, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan thực hiện. Đây cũng là một trong những điểm mới quan trọng, giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn có căn cứ, kịp thời, khả thi.
– Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã quyết định lựa chọn một số vấn đề để giám sát chuyên đề trong năm 2024, xin ông cho biết thêm về chuyên đề được lựa chọn?
– Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua 2 nghị quyết thành lập các đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trong năm 2023 về: Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh và việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND và thực tiễn của địa phương, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thảo luận, quyết định lựa chọn 2 chuyên đề giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2024. Đó là: Giám sát công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; Giám sát việc thực hiện quy hoạch thủy sản để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo Nghị quyết số 73/NQ-HĐND ngày 7-12-2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025.
– Trân trọng cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)
—————————–
Ông TRẦN MẠNH DŨNG – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa: Cần rà soát, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị
Qua giám sát chuyên đề về Chương trình phát triển đô thị tỉnh, đoàn giám sát của HĐND tỉnh nhận thấy, giai đoạn 2016 – 2020, chương trình đã đạt được một số kết quả đáng kể. Triển khai Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực: Tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn toàn tỉnh đến cuối năm 2022 đạt khoảng 62%; số lượng đô thị theo phân loại có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV và 15 đô thị loại V. Một số chỉ tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, sinh hoạt của người dân được quan tâm ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần được tháo gỡ.
Ông Trần Mạnh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa |
– Xin ông cho biết những tồn tại, khó khăn trong triển khai Chương trình phát triển đô thị?
– Đoàn giám sát nhận thấy, chương trình còn một số hạn chế, khó khăn như: Việc phê duyệt chương trình của cấp huyện chưa kịp thời hoặc không phê duyệt theo quy định; công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị, xây dựng còn hạn chế, chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chắp vá, không thống nhất với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực; còn nhiều quy hoạch được phê duyệt chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội và các quy định hiện hành. Việc đầu tư phát triển các dự án đô thị trên địa bàn chậm so với quy hoạch; các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị để tỉnh đạt các tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch. Trong khi đó, một số đơn vị, địa phương chưa đánh giá hết tầm quan trọng của chương trình, do vậy trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương đôi khi còn chậm trễ, chưa được chặt chẽ, ảnh hưởng đến việc kiểm tra, rà soát, đánh giá thực hiện chương trình. Việc bố trí nguồn lực thực hiện chương trình này chưa đáp ứng kế hoạch đề ra; việc huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện chương trình còn hạn chế… Đoàn giám sát nhận thấy, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình này.
– Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đoàn giám sát đã có những kiến nghị gì đối với UBND tỉnh, thưa ông?
– Để khắc phục những tồn tại, tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh, thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đoàn giám sát đã có các kiến nghị cụ thể đến UBND tỉnh.
Thứ nhất, UBND tỉnh cần thực hiện rà soát, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 để phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt; chỉ đạo tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và chương trình phát triển từng đô thị. Trong đó, xác định cụ thể mục tiêu cần đạt được đối với tỉnh và từng đô thị; danh mục các dự án trọng điểm cần đầu tư; cơ chế huy động các nguồn lực; các giải pháp đối với từng mục tiêu cụ thể…
Thứ hai, tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm; thực hiện rà soát, điều chỉnh và tiến tới phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu đô thị tại các địa phương trong tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị; các trung tâm dịch vụ, thương mại, trung tâm văn hóa, thể thao, các công trình giáo dục, y tế theo hướng xã hội hóa… Thực hiện đồng bộ các chương trình kinh tế – xã hội gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị.
Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2030; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng đô thị, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, nhà ở, môi trường…
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
THANH LONG (Thực hiện)