Chia cổ tức tỉ lệ 25%
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HoSE: HDB) đề ra mục tiêu cho năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 13.197 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2022. Theo đó, tỉ lệ ROE và ROA lần lượt là 24,5% và 2,3%.
Dự kiến đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 520.024 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.
Ngoài ra, tổng nguồn vốn huy động (bao gồm các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước), huy động tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giá, vốn tài trợ ủy thác đầu tư, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng) là 459.398 tỷ đồng, tăng 25%.
Tổng dư nợ tín dụng mục tiêu tăng 24% lên 333.553 tỷ đồng, nhưng không vượt quá mức Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động thị trường 1 để đảm bảo nguồn vốn lõi và an toàn thanh khoản cho hoạt động toàn hàng và đáp ứng tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao và tỷ lệ LDR quản trị nội bộ.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ cải thiện tỉ lệ CASA, trung hòa chi phí vốn.
Về kế hoạch phân bổ lợi nhuận năm 2022, ngân hàng cho biết, lãi còn lại sau khi trích lập các quỹ của HDBank là 6.500 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại của năm trước chưa chia là gần 317 tỷ đồng. Lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức 2022 là 6.817 tỷ đồng.
Vì vậy, HĐQT dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỉ lệ tối đa 10% và bằng cổ phiếu tỉ lệ tối đa 15% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, từ lợi nhuận chưa phân phối 2022 sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và trích quỹ theo quy định.
HĐQT sẽ quyết định tổ chức thực hiện chia cổ tức vào thời điểm thích hợp.
Vốn điều lệ tiến sát mốc 30.000 tỷ đồng
Đáng chú ý, HDBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tối đa 3.773 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022. Tỉ lệ chi trả cổ tức là 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu phát hành thêm.
Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán sau khi trích lập các quỹ, đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật.
Đồng thời, HDBank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng thông qua phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) đã được ĐHĐCĐ năm 2021 thông qua.
Theo đó, phương án phát hành 40 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương tổng giá trị 400 tỷ đồng đã được cổ đông thông qua vào năm 2021. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2023.
Tuy nhiên, năm 2021 và 2022, HDBank mới hoàn tất phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP và đã được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận ghi nhận vốn điều lệ tăng thêm tương ứng 200 tỷ đồng.
Do đó, HDBank sẽ tiếp tục triển khai phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu ESOP, giá phát hành 10,000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này không được chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023.
Sau khi hoàn thành trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành ESOP, dự kiến tổng vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ mức 25.303 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng.
Số vốn tăng thêm được dự kiến bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn khoảng 3.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ bổ sung vào nguồn vốn lưu động trong hoạt động của ngân hàng.
Nếu kế hoạch tăng vốn vào năm 2023 thành công, HDBank sẽ nối tiếp 3 năm liền tăng vốn điều lệ bằng từ năm 2020-2022. Theo đó, 3 năm này, ngân hàng đều thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và vốn điều lệ HDBank tăng từ 9.810 tỷ đồng vào năm 2019 lên hơn 25.300 tỷ đồng vào cuối năm 2022.