Trên đời này không có tình yêu nào lớn lao như tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Cha mẹ là chỗ dựa, là bình yên, là tình yêu vô điều kiện, là vỗ về ủi an. Dù con có lớn thế nào đi nữa, trong lòng cha mẹ, con vẫn mãi là đứa trẻ nhỏ bé cần được cha mẹ che chở, hy sinh.
Chính vì những hạnh phúc có được khi ở bên cha mẹ nên dường như nỗi đau mất cha, mất mẹ trở thành nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mỗi người con.
Đó là nỗi đau khi chúng ta nhận ra rằng đã vĩnh viễn mất đi người sẽ yêu thương mình đến hết cả cuộc đời, người luôn ở đằng sau sẵn sàng dang tay ôm ta vào lòng sau những sóng gió cuộc sống, người sẽ luôn bao dung cho mọi sai lầm và dành cả trái tim để quan tâm tới chúng ta mỗi ngày. Một nỗi đau của sự mất mát, của sự cô đơn và bơ vơ đến tận cùng.
“Cha ơi cha, cha ơi chờ con với!
Sao cha về nơi nào chẳng có con
Bóng cha đâu? Con tìm hoài chẳng thấy
Chốn quay về chỉ còn lối cỏ mây.
Con đâu hay, cuộc đời thật ngắn ngủi
Chút giận hờn, chẳng chịu cười với cha
Lúc ra đi, cha vẫn cười tựa gió
Có giận không? Con chẳng về kịp”
Đó là những dòng thơ đầy xúc động, đan xen chút hối tiếc của tác giả trẻ Đặng Thị Ngọc Vân (Quảng Nam) gửi đến cuộc thi viết “Cha và con gái”. Vì chẳng thể gặp cha lần cuối trước khi cha mất nên người con ấy luôn mang trong mình những trăn trở, hối tiếc.
Đôi khi cuộc sống bận rộn, xô bồ, người con mải đuổi theo những giấc mơ, hoài bão mà quên đi phía sau vẫn có cha đang chờ. Đã bao lần con bỏ lỡ cuộc gọi của cha, biết bao lần gắt gỏng vô cớ với những câu hỏi của cha, biết bao lần oán trách vì gia đình mình nghèo khó.
Chỉ đến khi cha rời xa thế giới này, tác giả mới nhận ra mình chưa từng một lần hiểu cha, hiểu cho những nỗi vất vả, muộn phiền mà cha mang, hiểu cho trọng trách mà cha phải gánh vác.
Đó là cảm xúc của tác giả nhưng dường như cũng là tiếng lòng chung của những người làm con khác. Bởi tìm đâu được một người yêu con như cha, tìm đâu được để con tin tưởng, dựa vào suốt cả cuộc đời một cách vô điều kiện.
Từ Sơn La, tác giả Phạm Thị Phương cũng chia sẻ những ký ức về cha trong tác phẩm “Bố luôn là ngôi sao sáng nhất trong bầu trời ký ức tôi”.
Tác giả Phạm Thị Phương kể rằng, năm cô học lớp 9, cha cô bị ngất trong một lần làm việc ở công trường. Chính bản thân tác giả cũng không biết bệnh của cha trầm trọng như thế nào, chỉ biết khi ấy ai hỏi mẹ cô cũng khóc. Người cha đang từ một người bình thường bỗng không nhận ra mẹ cùng 3 anh em cô.
Suốt những tháng ngày chống chọi với bệnh tật, không ít lần người cha trở bệnh cáu gắt, đập phá đồ đạc nhưng ngay khi tỉnh táo ông lại cùng vợ lo toan cho 3 người con.
Cho đến tận những giây phút cuối đời, người cha vẫn không quên nhắc nhở cô con gái duy nhất của mình: “Đừng khóc con! Hãy thay bố chăm sóc mẹ khi bố đi. Chắc mẹ mấy đứa sẽ buồn và cô đơn lắm,… Rồi bố đưa cánh tay chằng chịt những vết bầm tím vì lấy ven lên xoa mái tóc con, lau cho con những giọt nước mắt đang thi nhau rơi xuống. Ngay lúc ấy con nhận ra bố thật gần mà sao hóa xa xôi”.
Tình cảm của người cha vẫn luôn vĩ đại như thế, cả một đời gánh vai gia đình, đến tận giây phút cuối cùng vẫn luôn nghĩ tới vợ và các con.
Cũng chia sẻ về những kỷ niệm với người cha quá cố, tác phẩm “Vì con là con gái” của tác giả Ngô Thị Phúng (Phú Yên) mang đến một cái nhìn thật khác về tình cha con – tình cha con dẫu chẳng phải là ruột thịt.
Tác giả Ngô Thị Phúng bộc bạch bản thân không phải con ruột của cha. Do một tai nạn từ bé, cha chị bị vô sinh. Vậy là mặc cho búa rìu dư luận có thể xảy đến, người cha vẫn chấp nhận và thuyết phục mẹ đi “kiếm con”.
Vô tình biết được sự thật ấy khi mới 10 tuổi, tác giả khó lòng có thể chấp nhận. Tất cả những gì cô gái nhỏ làm lúc ấy là vùng vằng bỏ sang nhà ngoại, tránh né và trách móc cha mẹ. Người cha cũng cứ thế mà tự trách bản thân “ông cứ đấm vào ngực mình thùm thụp, giận bản thân mình vì vô ý làm tổn thương tôi”.
Nhưng dường như chính số phận là thứ đã gắn kết để họ trở thành một gia đình. Một ngày, hai ngày… cô bé 10 tuổi lúc ấy lại thấy nhớ nhà, nhớ cha kinh khủng, nhớ hình bóng cha co ro đón cô tan trường. Để rồi sau những lời thuyết phục của ngoại, những lo lắng của mẹ, sự nhẫn nại của cha, tác giả cũng trở về nhà.
Nhớ lại khoảnh khắc cuối cùng bên cha, tác giả xúc động viết: “Trong cuộc hành trình lặng lẽ phía hoàng hôn, trước lúc ra đi ông cứ nắm chặt lấy tay tôi mấp máy: “ Con là món quà quý giá mà ông trời đã gửi tặng ba”. Rồi ông ấn vào tay tôi bọc giấy, lưỡi ba cứng đơ không nói được nhiều; “ Tiền… để xây mộ cho ba… ba muốn… ” rồi ông cứ thế lịm dần. Từng gấp tiền đủ kích cỡ kẹp vào tờ giấy “ Đây là tiền bán tre. Tiền bán lúa, tiền bán…” Tập giấy trên tay tôi tuột xuống đất, những đồng tiền bay lả tả khắp nhà…”.
Giữa biết bao nhiêu sự sống trên thế giới, cha và con gái đã tìm được nhau một cách đầy phép màu và kỳ diệu, đó có lẽ đã là điều tuyệt vời nhất. Chắc chắn rằng, dù ở nơi đâu, người cha cũng đều mong con hạnh phúc và dõi theo con theo một cách đặc biệt.
Sự ra đi của một ai đó quan trọng trong cuộc sống là vết thương khó lành nhưng cũng là một lần để ta nhìn lại những mối quan hệ xung quanh và biết cách trân trọng mọi thứ hơn. Đó là khi mỗi người biết mình cần về thăm, trò chuyện những người thân yêu thường xuyên hơn bởi điều quan trọng không phải chúng ta còn sống được bao lâu mà chúng ta còn bao lâu để đối xử tốt với những người xung quanh.
Thể lệ cuộc thi viết chủ đề “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024
Yêu cầu đối với bài dự thi
– Bài dự thi phải là những bài viết chưa đăng phát trên bất kỳ phương tiện truyền thông báo, đài hay mạng xã hội và chưa tham gia dự thi ở các cuộc thi khác. Viết về những câu chuyện có thật do tác giả là nhân vật hoặc người chứng kiến, những kỷ niệm, lời tâm tình, tự sự của cha dành cho con gái và ngược lại được thể hiện dưới dạng bài ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, tản văn, nhật ký… Ban tổ chức khuyến khích các tác giả sử dụng hình ảnh thật của các nhân vật trong bài dự thi.
– Bài viết thể hiện bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 – 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
– Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi và phải chịu trách nhiệm về độ chân thực, tính chính xác về nội dung. Cấm sao chép, đạo văn của người khác dưới mọi hình thức.
– Bài dự thi được chọn đăng trên Tạp chí Gia đình Việt Nam sẽ được trả nhuận bút theo quy định và thuộc sở hữu của tòa soạn; tác giả không có quyền khiếu nại về bản quyền.
Đối tượng dự thi: Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước trừ những người là nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành cùng cuộc thi.
Thời gian và địa chỉ nhận bài dự thi
– Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27/03/2024 đến ngày 10/06/2024 tính theo dấu bưu điện và thời gian nhận mail. Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2024.
– Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi “Cha và con gái” kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
– Bài dự thi online gửi qua email: [email protected]
Giải thưởng
Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 có cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích và 05 giải phụ.
Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức, được tặng 01 quyển sách có đăng các bài dự thi cùng quà (nếu có) của nhà tài trợ.
Ban Giám khảo cuộc thi
– Nhà thơ Hồng Thanh Quang – Trưởng ban giám khảo
– Nhà thơ Trần Hữu Việt – Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân
– Nhà văn Nguyễn Một
– Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu – Báo Tiền phong
Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ
– Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
+ Nhà báo Phan Khánh An – Tổng TKTS, Thành viên Ban tổ chức. Số điện thoại: 0975.470.476
+ Ms Bùi Thị Hải Én – Cán bộ toà soạn. Số điện thoại: 0973.957.126
– Email: [email protected].
Phương Anh