U.22 Việt Nam đã dừng bước ở bán kết SEA Games 32 trước U.22 Indonesia theo kịch bản nghiệt ngã nhất: có lợi thế hơn người, đã tìm được bàn gỡ hòa, nhưng lại phung phí cơ hội rồi bị trừng phạt ở thời gian bù giờ sau tình huống phản công của đối thủ. Đá hơn người song vẫn bại trận, đó là dư vị càng khiến thất bại của thầy trò HLV Philippe Troussier thêm cay đắng.
Đây cũng là trận thua đầu tiên của U.22 Việt Nam sau 6 năm bất bại ở SEA Games. Đó cũng là 6 năm chứng kiến bóng đá trẻ Việt Nam no nê danh hiệu ở sân chơi Đông Nam Á với 2 tấm HCV SEA Games, 1 chức vô địch U.23 Đông Nam Á. Tuy nhiên, đã có một nốt trầm ở giai đoạn này, khi U.18 Việt Nam thua U.18 Campuchia ở giải Đông Nam Á 2019. Thất bại ấy rơi vào quên lãng, trong dòng chảy thành công của U.22 Việt Nam, của ít nhất hai lứa cầu thủ tài năng nối tiếp nhau, mang về vinh quang dồn dập.
Chính đội U.18 này, chủ lực là lứa 2001 của Phan Tuấn Tài, Huỳnh Công Đến được chuyển giao từ HLV Hoàng Anh Tuấn sang HLV Troussier. Nhà cầm quân người Pháp đã tiếp nhận đội tuyển này, huấn luyện liên tục trong gần 2 năm thông qua các đợt tập trung ngắn hạn. Có những đợt, ông thầy người Pháp gọi tới 40, 50 cầu thủ để không bỏ sót tài năng. U.20 Việt Nam sau đó 2 năm đã vượt qua vòng loại U.20 châu Á, rồi chính lứa cầu thủ này qua nhiều lần sàng lọc đã trở thành U.22 Việt Nam để dự kỳ SEA Games này.
Sau thất bại trước U.22 Indonesia, HLV Troussier đã nhắc lại thời điểm tiếp nhận đội từ trận thua Philippines để nhấn mạnh: đây là lứa cầu thủ bị hoài nghi về trình độ lẫn khả năng kế thừa thành công của thế hệ đàn anh. Chuyện so sánh giữa các lứa cầu thủ là thường tình trong bóng đá. Ông Troussier và học trò không thể ngăn người hâm mộ đừng hoài nghi và so sánh. Việc của U.22 Việt Nam là phải chứng minh bằng nỗ lực trên sân và dũng cảm đối mặt với thất bại, chấp nhận những “vết sẹo” cả về thể chất lẫn tinh thần, vốn đau đớn nhưng không thể tránh khỏi trên chặng đường trưởng thành.
U.22 Việt Nam đã nỗ lực, song cũng như ông Troussier đề cập, khoảng trống về kinh nghiệm thực chiến với chưa đến 20 trận đấu đỉnh cao trong 6 tháng qua không thể khỏa lấp chỉ bằng một vài trận đấu tập huấn trước giải. Đến trước trận gặp U.22 Indonesia, U.22 Việt Nam vẫn ở trạng thái vừa đấu, vừa sửa. Đội hình mạnh nhất được HLV Troussier sử dụng ngay từ trận đầu gặp U.22 Lào. Tức là khác với người tiền nhiệm, ông Troussier không giấu bài, không ém quân. Một phần bởi lực lượng hạn chế, nhưng phần còn lại là bởi với các cầu thủ trẻ, cứ phải ra sân hết mình, bung hết khả năng, còn sai đến đâu thì sửa chữa đến đấy.
Lỗ hổng phòng ngự, sự thiếu quyết đoán của cầu thủ tấn công, vội vàng trong xử lý bước một, nôn nóng thậm chí cả khi có lợi thế,… đó là những thiếu sót chính ông Troussier đã nhìn thấy ở U.22 Việt Nam. U.22 Việt Nam đã mắc nhiều sai lầm ở những trận trước, nhưng mật độ thi đấu dày đặc (6 trận trong 14 ngày) chỉ kịp để phục hồi, thay vì sửa từng lỗi sai. Tình huống các cầu thủ U.22 Việt Nam ôm mặt tiếc nuối khi thủng lưới, dù còn tới 3 phút để nỗ lực tìm bàn gỡ hòa cho thấy cái non nớt về tâm lý thi đấu.
Dù vậy, con đường hình thành tâm lý vững vàng nằm ở hai từ “thực chiến”. Các học trò của ông Troussier đã thiếu yếu tố thực chiến này từ rất lâu, dù vẫn có những ý kiến cho rằng lứa cầu thủ này không được đá chính bởi chưa đủ giỏi. Nhưng cũng như câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước, cứ phải thi đấu liên tục rồi mới đủ căn cứ để đánh giá năng lực của một cầu thủ. U.22 Việt Nam cần những trận đấu như U.22 Indonesia để vỡ ra bài học. Thất bại càng đau đớn, trải nghiệm càng giá trị.
Điều quan trọng nhất, ông Troussier đã đề cập, đó là thái độ ứng xử với thất bại thế nào. Để áp lực vùi lấp hay đứng dậy sửa chữa sai lầm. Đó cũng là ngã rẽ để phân định cầu thủ nào có thể trở thành ngôi sao, còn cầu thủ nào sẽ chỉ dừng ở mức bình thường. Thất bại là điều không thể thay đổi, còn chọn đi con đường nào, đó là việc của U.22 Việt Nam.
“U.22 Việt Nam cần thời gian để hoàn thiện kỹ năng của mình vì cầu thủ thiếu kinh nghiệm thực chiến, đặc biệt ở các giải trong nước. Đó là bóng đá. Quay trở lại với khía cạnh tinh thần, U.22 Việt Nam dù thua 2 bàn nhưng rất nỗ lực để bỏ qua sai lầm và gỡ hòa. Với những lỗi sai này, nếu nhìn nhận tích cực thì có thể cải thiện, cả về lối chơi nữa. Tôi không trách cầu thủ, bởi bóng đá có thắng có thua. Sau trận hôm nay, tôi cho rằng thế hệ cầu thủ này, khác với nhiều người nghĩ, họ hoàn toàn có tiềm năng và trong tương lai các em có thể đạt thành tích tốt hơn”, HLV Troussier nói.
Các cầu thủ cần tạo điều kiện thi đấu nhiều hơn, cần thêm trận đấu ở giải trẻ,… đó là những khía cạnh có thể kéo theo sau giải đấu này. Nhưng trong kế hoạch dài hạn của HLV Troussier với bóng đá Việt Nam, SEA Games sẽ không phải đích ngắm cuối cùng. Các cầu thủ trẻ còn chặng đường rất dài ở phía trước. Vậy thì hãy đứng dậy và vững vàng hơn để vượt qua nỗi buồn hôm nay.