Vị Thủy là huyện thuần nông của tỉnh Hậu Giang, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Từ khi xây dựng nông thôn mới, việc tập trung lựa chọn cây trồng, rau màu có hiệu quả kinh tế cao để phát triển kinh tế, thì người dân nơi đây nhận thấy rau hẹ là cây màu thích hợp nhất.
Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Điển hình như mô hình trồng hẹ gắn hệ thống tưới tiết kiệm của ông Lý Anh Tuấn – người dân ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ rau hẹ qua tự nghiên cứu tài liệu ông đã mạnh dạn cải tạo 1000m2 diện tích đất xung quanh nhà để trồng hẹ.
Cây hẹ sau hơn 2 tháng trồng là có thể cho thu nhập, giá bán hẹ là 15.000 – 20.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí mỗi ngày gia đình ông thu nhập trên dưới khoảng 500.000 đồng
Nhận thấy lợi nhuận cao nên tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng rau hẹ, đến nay đã hơn 2.000m2 và ông Tuấn cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho toàn bộ diện tích hẹ của mình nhằm giảm hoàn toàn công lao động trong khâu tưới nước.
Với diện tích này, trung bình mỗi ngày gia đình ông cung cấp ra thị trường từ 40 – 50kg rau hẹ cho thu nhập gần 10 triệu đồng một tháng. Nhờ trồng hẹ mà gia đình ông Tuấn đã khá dần lên trong mấy năm nay.
Trồng hẹ không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, chủ yếu ở khâu làm cỏ, bón phân, cây hẹ phải được trồng được trên luống, tránh ngập nước vào mùa mưa nhưng phảo đảm bảo đủ nước trong mùa nắng thì cây hẹ sẽ cho năng suất cao. Hẹ trồng sau 2 tháng là có thể thu hoạch được và sau đó sẽ cho thu hoạch đều đặn, gần như là quanh năm.
Trồng hẹ được xem là mô hình trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hẹ đã trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định, là một hướng đi thoát nghèo bởi vì hẹ dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ lại ổn định.