Tôi vốn thích các loại chợ, từ “chợ sang chảnh” kiểu siêu thị, Mall, Store trong Trung tâm thương mại, chợ online thời 4.0… cho đến chợ cóc, chợ phiên, chợ trời, chợ đồ cổ, đồ cũ, chợ nổi, chợ cạn… và cả chợ tình! Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi người ta có thể giao lưu văn hóa, giải stress. Đi đến vùng miền nào mới là tôi lại tìm cách ghé chợ. Tốt, xấu gì người ta có thể che hay khoe ở ngoài đường và cứ ra chợ là thấy cái hồn kẻ chợ ở xứ đó liền! Cả một trời văn hóa ở chợ!
Về Hậu Giang, tôi không quên ghé chợ. Cái chợ đượm cái văn hóa miền Tây, giản dị mà đa dạng, hồn nhiên mà đôn hậu giữa lòng thành phố Vị Thanh. Chợ được bà con đặt cho cái tên ngộ ngộ: Chợ “ chồm hổm”, vì người bán, người mua ngồi chồm hổm giữa trời mà mua mua, bán bán. Chợ “chồm hổm” nằm ngay tại chợ nông sản Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, không biết có tự bao giờ mà rất xôm tụ, họp chợ từ khoảng 6 giờ sáng đến hơn 10 giờ là tan. Cái thú vị là chợ nông sản vẫn có khu nhà lồng chợ, với quầy sạp bán sỉ, lẻ như các chợ khác nhưng ở khu vực chính giữa chợ không mái che lại qui tụ bà con cô bác nông dân chính hiệu mang “đồ nhà” ra bán.
Chợ “chồm hổm” Vị Thanh.
Vui lắm! nông sản mọi người mang ra không nhiều vì toàn trồng vườn nhà, nuôi ao nhà hay mới đánh bắt, hái vừa xong hay gom góp được, là: mấy con cá mới dỡ chài sáng sớm; mớ tép nhảy tanh tách; trái xoài, trái mận, trái mít chín cây … rồi mấy rổ rau diếp cá, rau má, rau ngót… tươi rói. Dân thành thị cứ mà trố mắt với các loại sản vật lạ: lươn đồng, cá lòng tong, cá rô, cá sặc, các lóc, cá trê… mùa nước nổi còn thêm cá linh, rắn, rùa, chuột đồng… Cơ man nào là các loại rau quê, như: đọt choại, ngó sen, bẹn súng, rau tập tàng, rau dừa, hẹ nước, bồn bồn, lạc tiên… rồi các loại hoa như: bông súng, bông sen, điên điển, lục bình, bông bí… cái gì cũng sẵn sàng cho nồi lẩu nóng hổi được!
Người bán và người mua như người quen biết lâu năm, ghé vô, vừa mua vừa nói chuyện, “tư vấn” cho nhau cả món ăn chiều nay ra sao, nấu gì cho ngon và lạ miệng, rồi sẵn sàng chỉ khách qua hàng bên nếu như hàng mình không có hay không đủ cái khách cần mua. Cái chất hào sảng Nam Bộ chính là ở chỗ này, hào sảng rất mộc và duyên quá!
Tôi đến chợ một lần vào sáng sớm trước 6h00, chợ đã đông vui. Đi chợ sớm, đồ nông sản càng ngon. Đi chợ lúc này vừa mát, vừa có cơ hội đón bình mình lên và tận hưởng nhịp sống Mekong chất lừ. Đi thử trễ hơn vào lúc sắp tan chợ cũng có cái vui riêng; chợ lúc đó vẫn vui, vẫn nhộn nhịp mà vẫn không quá xô bồ, vội vã và không có cái cảm giác buồn buồn kiểu chợ chiều đã vãn…
Khách trải nghiệm Chợ “chồm hổm”.
Chợ quê nên dĩ nhiên là mua hàng rẻ hơn trên sạp rồi, không cần trả giá mà cũng không bị đốt phong long lại được khuyến mãi mấy nụ cười giòn tan thì thú vị gì bằng!
Còn chần chừ gì nữa, cùng đến Hậu Giang tìm lại nét duyên quê ngay thôi nào bạn nhé!