(HGO) – Sáng ngày 13-9, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá giữa kỳ Đề án Phát triển Nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (đề án). Tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh, ngành nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, một số hợp tác xã (HTX) tham gia đề án và đơn vị thực hiện việc đánh giá là Tổ chức Stichting Agriterra Hà Lan tại Việt Nam.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết qua hơn 3 năm hoàn thiện và triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh, đơn vị tiến hành phối hợp với Tổ chức Stichting Agriterra Hà Lan tại Việt Nam thực hiện đánh giá tiến độ, sự phù hợp, kết quả và tác động của đề án. Qua đây nhằm cung cấp thông tin cho nhà hoạch định chính sách, các sở, ban, ngành của tỉnh và những bên có liên quan của đề án về thành tựu, khó khăn, bài học kinh nghiệm, đặc biệt là đề xuất các giải pháp và kế hoạch hỗ trợ các HTX, Liên hiệp HTX được lựa chọn tham gia đề án trong thời gian còn lại của giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Trưởng đại diện của Tổ chức Stichting Agriterra Hà Lan tại Việt Nam, chia sẻ kết quả đánh giá đề án tại hội thảo.
Sau khi khảo sát thực tế, Tổ chức Stichting Agriterra Hà Lan tại Việt Nam đánh giá hầu hết các hoạt động của đề án đã được triển khai theo tiến độ đề ra và hiện đạt khoảng 68% công việc theo kế hoạch; trong đó một số Ban chỉ đạo cấp huyện đã quan tâm sâu sát các hoạt động, linh hoạt trong vận hành. Tính đến tháng 7 năm nay, đã có 13/15 HTX và 2/3 Liên hiệp HTX của tỉnh được phê duyệt đầu tư hạ tầng và chế biến sản phẩm, đồng thời có 10/15 HTX đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh (tưới tiết kiệm nước), nông nghiệp an toàn và đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP (hiện chiếm 66,67%). Bên cạnh đó, hiện có 7/15 HTX đã có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, một số HTX còn lại đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP; hầu hết các HTX tham gia đề án đều đáp ứng tiêu chí thực hiện ít nhất 5 dịch vụ trong hoạt động…
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo.
Về một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đề án được ngành nông nghiệp, HTX trong tỉnh và Tổ chức Stichting Agriterra Hà Lan tại Việt Nam chỉ ra và đề xuất sớm có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, gồm: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng về nhà kho của HTX còn chậm, một số HTX thiếu vốn đối ứng đề đầu tư máy móc thiết bị; một số hỗ trợ về bộ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gặp khó khi đơn vị trúng thầu không thực hiện theo yêu cầu của HTX; HTX khó tiếp cận vốn tín dụng; nhiều thủ tục hành chính phức tạp về chuyển mục đích sử dụng đất…
Nhiều HTX tham gia đề án được hỗ trợ trang thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất hiệu quả.
Đối với một số giải pháp trước mắt, ngành nông nghiệp các địa phương và HTX tham gia đề án kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh sớm tham mưu cho tỉnh điều chỉnh một số chỉ số để phù hợp với tình hình thực tế và Luật HTX năm 2023; xây dựng và bổ sung quy trình, hướng dẫn cho các hoạt động chủ chốt như: xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị, chính sách hỗ trợ lao động trẻ, xây dựng các mô hình điểm… Đối với Ban chỉ đạo đề án cấp huyện, thực hiện rà soát và điều chỉnh quy hoạch khu thu gom, bảo quản, chế biến và dịch vụ gắn với vùng nguyên liệu của địa phương. Riêng các Liên hiệp HTX và HTX tham gia đề án cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và ngắn hạn, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và ưu tiên phát triển năng lực cho cán bộ HTX…
HỮU PHƯỚC
Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/thoi-su-trong-tinh/so-ket-giua-ky-de-an-nong-nghiep-ben-vung-va-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-135572.html