(HGO) – Chiều ngày 3-10, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến nhằm kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với hệ thống thương mại năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn “Kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang từ ngày 29-9 đến 3-10. Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; cùng lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, đồng thời có đông đảo chủ thể OCOP vùng ĐBSCL và nhiều nhà thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp đầu vào, doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghệ trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (đứng) phát biểu tại hội nghị.
Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, hiện toàn vùng ĐBSCL có gần 3.000 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, đứng thứ 2 của cả nước (sau vùng đồng bằng sông Hồng) khi chiếm 21,2% tổng sản phẩm OCOP của cả nước (hơn 14.000 sản phẩm). Tổng số chủ thể có sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL là 1.521. Riêng tỉnh Hậu Giang hiện có 266 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó sản phẩm tập trung vào một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: khóm, lúa, mít, bưởi da xanh, xoài cát hòa lộc, chanh không hạt, cá thát lát, lươn…
Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL tại tỉnh Kiên Giang.
Nhìn chung, trong quá trình thực hiện chương trình OCOP, các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung, ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái của vùng ĐBSCL.
Một chủ thể của tỉnh Hậu Giang có sản phẩm về cá thát lát đạt chuẩn OCOP 4 sao giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị.
Ngoài những mặt tích cực đạt được, tại hội nghị, ngành chức năng và nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP ở vùng ĐBSCL nhận định vẫn còn những mặt hạn chế trong quá trình thực hiện như: Chưa tập trung xứng đáng sự quan tâm đến các sản phẩm đặc sắc chủ lực của vùng như thủy sản; quy mô sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế, tính liên kết yếu; bao bì, nhãn mác một số sản phẩm có tiến bộ nhưng còn đơn giản, đóng gói bao bì chưa bắt kịp xu thế của người tiêu dùng; tư duy về xây dựng thương hiệu còn hạn chế…
Hiện Hậu Giang có 266 sản phẩm đạt chuẩn OCOP được các chủ thể tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ từ nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng và cả nước.
Từ những mặt còn hạn chế trên, các chủ thể OCOP đề ra mục tiêu là cần tiếp tục nỗ lực, chuyển đổi về tiếp cận, tư duy trong sản xuất và thương mại, tiếp tục nâng cao chất lượng và năng lực để tiếp cận tốt hơn vào thị trường. Trong đó, hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với hệ thống thương mại được xác định có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo không gian trao đổi, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại, giúp các chủ thể OCOP nắm bắt nhu cầu, hoàn thiện sản phẩm, gia tăng cơ hội để đưa sản phẩm OCOP vào thị trường trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin sau 3 lần tổ chức, diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL đã trở thành một “không gian” để chia sẻ, học hỏi và giao lưu không chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể OCOP mà còn là của các doanh nghiệp thương mại, người tiêu dùng vùng ĐBSCL và một số tỉnh khác trên cả nước. Diễn đàn cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển, trưởng thành của các chủ thể, sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể vào năm 2022, khi diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp, số lượng sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL đứng thứ 3 cả nước khi chiếm tỷ lệ 17,1% tổng số sản phẩm, thì hiện nay đã vươn lên đứng thứ 2. Bên cạnh đó, diễn đàn ngày càng có sự tham gia của nhiều địa phương hơn, trong đó năm nay có sự tham dự của 35 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng gần 15 tỉnh, thành phố tham dự so với lần đầu tiên tổ chức.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, thông qua diễn đàn lần này tại Kiên Giang, với việc chia sẻ kinh nghiệm, giao thương kết nối thì Bộ NN&PTNT hy vọng rằng các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP và các tổ chức có liên quan trong và ngoài vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục cùng nhau mở rộng hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu sản phẩm; qua đây góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương vùng ĐBSCL nói chung và cả nước nói riêng vào thời gian tới.
HỮU PHƯỚC
Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/san-pham-ocop-vung-dbscl-dang-dung-thu-2-ca-nuoc-136143.html