Tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ; đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến các sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Ngày 19-2-2024, ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh – đã ký Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Hậu Giang năm 2024.
Nhiều giải phá phát triển
Mục đích của kế hoạch là nhằm bảo đảm lộ trình, mục tiêu kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai toàn diện các nội dung xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung hoàn thành 19 tiêu chí đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, từng bước xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024 trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đưa chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, công nhận sản phẩm OCOP vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của đơn vị, địa phương quản lý.
Đối với Chương trình OCOP, mục tiêu mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 – 4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện; trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao.
Bên cạnh đó, thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh; tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch nêu trên, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hậu Giang đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao.
Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.