Thông qua một lời quảng cáo trên mạng, anh Đ. tham gia làm cộng tác viên bán hàng cho một website có giao diện giống như trang thương mại điện tử Amazon với gian hàng đủ các loại sản phẩm. Tuy nhiên, khi đã nạp gần 20 triệu đồng để bán hàng, anh Đ. mới hay mình đã bị lừa mất trắng.
Tài khoản bán hàng của anh Đ. ghi nhận số lợi nhuận ảo hơn 1.300USD nhưng không thể rút được.
Tài khoản bán hàng của anh Đ. ghi nhận số lợi nhuận ảo hơn 1.300USD nhưng không thể rút được.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang, anh Đ., ngụ xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, buồn rầu cho biết mình vừa là nạn nhân của một hình thức lừa đảo bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo anh Đ., khoảng đầu tháng 7-2024, trong lúc “lướt” mạng xã hội facebook thì anh thấy thông tin quảng cáo bán hàng trên trang thương mại điện tử Amazon, cam kết thu lợi nhuận cao. Vì đã từng nghe đến trang bán hàng trực tuyến lớn này nên anh thử liên hệ tham gia.
Ngay sau đó, anh Đ. được một đối tượng hướng dẫn tải ứng dụng Telegram, rồi tham gia làm cộng tác viên trong một nhóm bán hàng hưởng hoa hồng có gần 1.000 thành viên trên website Amazon.
Người hướng dẫn rất nhiệt tình, giúp anh Đ. tạo tài khoản, mở gian hàng, đăng bán các sản phẩm do các đối tượng cung cấp, với quy tắc khi có khách đặt hàng thì anh Đ. phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng.
Những ngày đầu tham gia, anh Đ. chọn các đơn hàng nhỏ lẻ có giá trị dưới 5USD và nhanh chóng bán được hàng, sau đó có tiền hoa hồng trả về. Tuy nhiên, khi đơn hàng có giá trị tăng lên gần 100USD, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng, bên cửa hàng yêu cầu anh Đ. phải nạp vào gần 20 triệu đồng mới có thể rút hoa hồng ra. Lúc này, khi anh nạp tiền vào và thực hiện lệnh rút tiền thì liên tục báo lỗi và không thể rút được tiền.
“Tính ra, trong vòng gần 1 tháng, tôi đã nạp vào trang thương mại điện tử giả danh này gần 20 triệu đồng, nhưng chỉ rút được số tiền gần 6 triệu đồng, số còn lại thì mất trắng”, anh Đ. cho biết.
Cũng theo nạn nhân này, hình thức lừa đảo trên tinh vi ở chỗ, thời gian đầu tham gia rất dễ bị các đối tượng dẫn dụ khi chỉ cần đăng ký tài khoản tầm 1 giờ sau là đã có đơn hàng, sau đó, chỉ cần nạp số tiền ít là có thể nhận được hoa hồng và chỉ khoảng 15 phút sau khi rút, tiền hoa hồng đã về tài khoản ngân hàng. Nhưng sau đó, số tiền phải nạp vào để thanh toán trước đơn hàng tăng dần và người tham gia rất dễ mắc bẫy khi thấy số lợi nhuận ảo ngày càng cao.
“Tôi đã vay mượn của người thân gần 20 triệu đồng để tham gia, nay bị lừa thì tôi cũng muốn thông qua cơ quan báo chí gửi lời cảnh tỉnh đến người dân để không vướng vào bẫy của những kẻ lừa đảo như tôi”, anh Đ. chia sẻ.
Theo Công an tỉnh, thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ các phương thức, thủ đoạn phạm tội trên không gian mạng. Tuy nhiên, một bộ phận bà con chưa thật sự quan tâm, cảnh giác; có trường hợp nhẹ dạ cả tin, thiếu xác minh thông tin hoặc do hám lợi nên dẫn đến sập bẫy các đối tượng lừa đảo.
6 tháng đầu năm, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, số tiền trên 87,5 triệu đồng; tiếp nhận, điều tra xác minh 6 tố giác của người dân bị lừa đảo bằng công nghệ cao chiếm đoạt số tiền trên 3 tỉ đồng.
Theo Công an tỉnh, các đối tượng sử dụng một số phương thức như mời gọi đầu tư chứng khoán; kêu gọi làm từ thiện, cho kết quả xổ số trúng thưởng; lừa nạn nhân chuyển tiền yêu cầu đặt cọc mua hàng trên mạng xã hội; giả danh cơ quan chức năng giải đáp thắc mắc về cách lấy lại tiền đã bị lừa đảo hoặc xác thực tài khoản ngân hàng, xác lập tài khoản bảo hiểm y tế, cập nhật thông tin căn cước công dân, định danh điện tử…
Phần lớn các vụ việc do đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo từ nước ngoài, việc chuyển tiền giao dịch thông qua các tài khoản không chính chủ, sau khi đối tượng nhận được tiền của nạn nhân thì tiền được chuyển ra nước ngoài; các đối tượng phạm tội qua mạng có tổ chức, xuyên biên giới, có kịch bản và phân vai cụ thể gây khó khăn đối với công tác điều tra, xử lý.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm, đại tá Huỳnh Việt Hòa, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết, trong thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, cũng như tuyên truyền các phương thức thủ đoạn phạm tội để nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân đối với tội phạm trên không gian mạng.
Đặc biệt, khuyến cáo người dân tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân, khi nhận được bất kỳ thông tin nào qua điện thoại, mạng xã hội liên quan đến bản thân và người thân mà có nghi vấn là không có thật hoặc mang lại lợi ích bất ngờ thì liên hệ ngay với chính quyền địa phương, lực lượng công an để xác minh làm rõ; tuyệt đối không cung cấp thêm thông tin cá nhân, không làm theo, không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo; trong trường hợp cần thiết nên ghi âm cuộc gọi, chụp ảnh tài khoản đối tượng, hỏi sâu về địa chỉ đối tượng, địa chỉ giao hàng hóa để thông tin đến lực lượng chức năng, nhằm tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
B.B
Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/phap-luat/muon-thong-qua-bao-chi-canh-bao-ve-kinh-doanh-online-135039.html