(HGO) – Sáng ngày 9-9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới”. Về phía lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, dự có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu phải đồng bộ kỹ thuật, giảm giá thành cho ngành thủy sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong hoàn cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp rất vững vàng, 8 tháng đầu năm lúa gạo đạt 27,5 triệu tấn, tuy tăng không cao, nhưng mục tiêu sẽ đạt 43,4-43,7 triệu tấn trong năm 2023 (gạo đã xuất khẩu 5,85 triệu tấn, với giá trị 3,47 tỉ USD, tăng 26,1%, giá lúa gạo đang tốt).
Quang cảnh hội nghị.
Về thủy sản, năm 2022 đạt 9,02 triệu tấn, xuất khẩu 11 tỉ USD, là một trong 3 trụ cột lớn của ngành nông nghiệp, chiếm trên 28% giá trị. Thủy sản là ngành hàng có tỷ trọng lớn, sản lượng đạt khoảng 5,93 triệu tấn, tăng 1,9%. Tuy nhiên so với năm 2022 còn chậm, xuất khẩu chỉ mới đạt 5,89 tỉ USD, giảm 25,4%, nếu không duy trì được đà tăng trưởng, không tăng tốc xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn ngành.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp vẫn vững vàng, khẳng định niềm tự hào cho người làm nông nghiệp. Các nước phát triển đổi mới công nghệ liên tục, vì thế càng lạc hậu sức cạnh tranh càng thấp.
Điểm lại cơ cấu khai thác, nuôi trồng của ngành thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, trong tình hình mới cần tính lại vấn đề sản xuất của toàn chuỗi từ thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học… Chuỗi cá tra tương đối điển hình, khó khăn giảm tải, lợi ích chia đều mới bền vững được. Nhiều ý kiến cho rằng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và con tôm nói riêng không thể so sánh với Ấn Độ, Ecuador, vấn đề này cần phải được các chuyên gia từ viện, trường, trung tâm giống, mổ xẻ giải quyết.
“15.000 tỉ đồng cho vay lãi suất thấp đang từng bước triển khai, về mặt cơ chế đã được tháo gỡ, nguồn vốn được bổ sung, còn các yếu tố về mặt kỹ thuật thì phải xử lý, giải quyết một cách đồng bộ. Tiềm năng, lợi thế nuôi hiện nước ta rất lớn. Sức cạnh tranh nằm ở giá thành, phải giảm giá thành, nếu mãi đường mòn, vẫn cách làm cũ trong bối cảnh mới không nâng cao được sức cạnh tranh sẽ thụt lùi, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu sẽ khó đạt được nếu như thủy sản không hoàn thành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Tin, ảnh: MỘNG TOÀN